Giữ gìn, bảo vệ ao, hồ, đầm
Ao, hồ có vai trò rất quan trọng trong sản xuất, đời sống đối với cả nông thôn và đô thị. Ở đô thị, ao, hồ được ví như chiếc máy điều hòa làm mát không khí, có tác dụng chống úng ngập cục bộ, giúp phát triển cây xanh, thảm cỏ, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Tại nông thôn, ao, hồ cung cấp nước tưới cho sản xuất, sinh hoạt, điều hòa không khí... Tuy nhiên, hiện nay, do sức ép của quá trình phát triển kinh tế, đô thị, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa cao dẫn đến tình trạng nhiều ao, hồ bị xâm lấn, san lấp, ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng.
![]() |
Ao, hồ tại xã Đồng Thanh (Kim Động) được giữ gìn, bảo vệ |
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hưng Yên có 49 hồ, ao, đầm không được san lấp. Các hồ, ao, đầm này đều đang được quản lý, khai thác, sử dụng theo đúng chức năng, trong đó có một số ao, hồ nằm trong đất tín ngưỡng, tôn giáo; một số thuộc đất công cộng; còn lại thuộc đất công ích, công điền do địa phương quản lý. Đồng chí Phạm Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Hiểu rõ giá trị của các ao, hồ, đầm trong môi trường sinh thái cũng như cảnh quan của thành phố, những năm qua, thành phố luôn quan tâm giữ gìn và bảo vệ. Trong số 49 hồ, ao, đầm không được san lấp, có 17 hồ, ao, đầm đã được cắm mốc, xây dựng tường rào, kè đá để bảo vệ; những ao, hồ còn lại, thành phố đã yêu cầu các địa phương xây dựng và thực hiện phương án cắm mốc, bảo vệ mốc giới xong trước ngày 15.6.2022.
Trên thực tế, do nhiều ao, hồ nằm xen giữa các khu dân cư nên ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng diện tích ao, hồ bị xâm lấn, cạp vượt hoặc thành nơi đổ rác thải, phế liệu xây dựng. Nếu không được địa phương quan tâm, bảo vệ và nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư, nhiều ao, hồ, đầm sẽ có nguy cơ biến mất. Tại xã Đồng Thanh (Kim Động) hiện nay còn giữ được nhiều ao, hồ tự nhiên. Khi đi qua các khu dân cư trong xã, ao, hồ trở thành điểm nhấn cảnh quan nông thôn, mặt nước xanh trong, hai bên bờ cây cối tươi tốt, không gian mát mẻ… Đồng chí Ngô Văn Thông, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh cho biết: Trong thôn có 1 ao to diện tích khoảng 1 mẫu và 1 ao nhỏ có diện tích 2 sào. Ao to đã được xây kè bằng gạch từ nhiều năm trước, xung quanh trồng cây bóng mát. Ao nhỏ những năm gần đây bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, rác thải sinh hoạt… đã ảnh hưởng đến cảnh quan trong khu dân cư. Thôn đã vận động người dân tham gia ủng hộ, nạo vét, kè lại ao, tạo dựng cảnh quan cho làng xóm. Đến tháng 5.2022, ao đã kè xong với trị giá đầu tư hơn 100 triệu đồng, 100% kinh phí do Nhân dân và người con xa quê tự nguyện ủng hộ. Điển hình như anh Nguyễn Văn Dũng, người con quê hương trong thôn đang làm ăn ở tỉnh ngoài đã ủng hộ 20 triệu đồng với mong muốn chung tay giữ gìn, bảo vệ ao, hồ cho làng quê. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn góp công, góp sức để giữ gìn cảnh quan quanh ao làng, những cây, hoa mới được trồng và chăm sóc để tạo cảnh quan.
Ngày 16.6.2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1421/QĐ-UBND về việc phê duyệt và công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh. Theo quyết định, tổng số hồ, ao, đầm không được san lấp là 1.063, diện tích 879,578ha, chiếm 82% diện tích hồ, ao, đầm của tỉnh, trong đó hồ, ao, đầm không được san lấp cần được bảo vệ chặt chẽ (nhóm 1) là 675, diện tích 764,885ha; hồ, ao, đầm không được san lấp thuộc (nhóm II) là 388, diện tích 114,692ha.
UBND tỉnh yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố, thông báo đến các sở, cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố về danh mục hồ, ao không được san lấp; hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương thực hiện rà soát, thống kê, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành niêm yết, công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên phương tiện thông tin đại chúng và thông báo cho các địa phương, đơn vị liên quan về danh mục các hồ, ao, đầm của địa phương không được san lấp, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trên địa bàn thực hiện, quản lý hồ, ao, đầm không được san lấp theo quy định. Xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp thuộc trách nhiệm của địa phương; xử lý nghiêm những sai phạm theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, các hồ, ao, đầm trong danh mục không được san lấp sẽ được tỉnh được ưu tiên xem xét, xây dựng kè bờ bảo vệ những khu vực dễ bị san lấp, sạt lở, định kỳ nạo vét đáy hồ, vệ sinh lòng hồ và bờ hồ.
Để bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của các hồ, ao, đầm, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ những hành vi lấn chiếm hồ, ao, đầm, xây dựng công trình trái phép, xả nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Đối với việc khai thác, sử dụng hồ, ao, đầm trong danh mục không được san lấp vào các mục đích vui chơi giải trí, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch... phải được cấp có thẩm quyền cho phép. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong sinh hoạt, đời sống để chung tay giữ gìn ao, hồ trong khu dân cư, tuyệt đối không lấn chiếm sử dụng cho mục đích cá nhân; phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy định về quản lý, khai thác, sử dụng hồ, ao, đầm với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Vi Ngoan