Ô nhiễm sông Cửu An ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân
Từ 10 ngày nay, nước sông Cửu An chảy qua địa bàn huyện Ân Thi chuyển màu đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc, làm đảo lộn đời sống của hàng trăm người dân sống 2 bên bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của nhiều địa phương trong huyện như ở các xã: Hồng Quang, Tiền Phong, Hồng Vân, Hạ Lễ.
![]() |
Nước sông Cửu An đoạn chảy qua xã Hồng Quang nhiều ngày nay chuyển màu đen, bốc mùi hôi khó chịu |
Chiều ngày 1/3, chúng tôi có mặt tại bờ sông Cửu An thuộc địa bàn xã Hồng Quang. Trước mắt là con sông dài một màu đen, nhiều loại thủy sinh chết nổi trên mặt nước. Mặc dù đã đeo 2 lượt khẩu trang, song chúng tôi không thể đứng lâu bởi mùi bốc lên từ sông xộc vào mũi. Gia đình ông Nguyễn Cảnh Hộ, ở xã Hồng Quang sống ngay bên bờ sông. Thay vì mở cửa đón không khí trong lành, nhà ông phải đóng cửa suốt ngày suốt đêm để tránh mùi bốc lên từ sông. Trẻ nhỏ cũng phải ở trong phòng suốt ngày suốt đêm. Ông Hộ cho biết, bản thân ông mắc bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính vừa mới điều trị ở bệnh viện về, khi gặp tình trạng này rất khổ sở, đặc biệt về đêm khó thở, mệt mỏi, sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều. “Bình thường tôi lấy nước sông để tưới cho cây trồng trong vườn, nhưng bây giờ thì không thể tưới được hoặc phải tưới nước máy. Còn vườn cam đường canh 4 mẫu ở cách xa nhà đành phải đợi có nước sạch hoặc trời mưa. Ngoài đồng ruộng thì không có nước tưới lúa. Có hộ gia đình canh tác hàng chục mẫu ruộng nhưng vì nhiều ngày nay chưa có nước nên không thể cấy được. Người dân chúng tôi rất bức xúc”.
Đồng chí Vũ Sỹ Viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho biết, ô nhiễm sông Cửu An khiến động vật thủy sinh chết nổi trên mặt sông, nhiều hộ gia đình không nuôi thả được thủy cầm, địa phương không lấy được nước phục vụ sản xuất. Đặc biệt hàng trăm ha lúa mới cấy bằng phương pháp gieo vãi đang cần tưới dưỡng nhưng không có nước. Chúng tôi đang rất sốt ruột vì gần như toàn bộ diện tích cấy lúa đang thiếu nước. Xã đã có ý kiến với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cơ quan chức năng để sớm xử lý tình trạng ô nhiễm, bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ canh tác, để đời sống người dân sớm trở lại bình thường. Về lâu dài, các cấp, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Cửu An.
Trong những ngày này, trên nhiều cánh đồng của xã Hạ Lễ cũng đang bị ảnh hưởng do thiếu nước. Ông Lê Xuân Hùng, Phó Trưởng thôn 5, xã Hạ Lễ cho biết, lúa đang thời điểm cần nước tưới dưỡng sau cấy. Nhiều diện tích nứt nẻ mặt ruộng, có hiện tượng lúa cháy táp lá, héo rũ do thiếu nước. Mấy ngày vừa qua, thời tiết nắng hanh càng làm mặt ruộng khô nhanh. Nếu tình trạng thiếu nước kéo dài trong vài ba ngày tới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng của cây lúa và các cây trồng khác. Từ tối ngày 28/2, chúng tôi buộc phải báo Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện cho bơm nước vào cánh đồng của thôn do ruộng đã khô nứt nẻ, người dân phản ánh rất nhiều tình trạng thiếu nước. Tuy vậy, chúng tôi cũng rất lo lắng việc nước sông ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến cây lúa.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ân Thi, nguồn nước phục vụ sản xuất của các xã: Hồng Quang, Tiền Phong, Hồng Vân, Hạ Lễ được lấy từ sông Cửu An thuộc hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Trong thời điểm này, nước sông ô nhiễm nặng nề, nước ứ đọng, không lưu thông nên không bơm lấy nước phục vụ canh tác được. Nhiều diện tích lúa, cây trồng của các xã này đang thiếu nước dưỡng, nhưng cũng phải chờ cho nước hết ô nhiễm.
Đồng chí Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi cho biết, trong đợt lấy nước sản xuất lần 1, huyện chỉ đạo các địa phương chưa bơm vì thời điểm đó nước sông cũng bị ô nhiễm. Tuy nhiên, thời điểm này, lúa đang thời kỳ cần nước tưới dưỡng nhưng việc lấy nước lại gặp khó khăn. Ô nhiễm môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải nói chung, sông Cửu An nói riêng là vấn đề tồn tại từ rất lâu, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân và việc sản xuất. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng có giải pháp lâu dài giải quyết tình trạng này, trả lại dòng sông trong xanh, phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.
Đào Doan