Banner
Banner

Tổng quan về Hưng Yên

13:18, 24/05/2005

 

I. Giới thiệu chung

 

 

Một góc thị xã Hưng Yên ngày nay

 

 

 

 

 

Tỉnh Hưng Yên được thành lập năm Minh Mạng thứ 12 (1831). Năm1968, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương được hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX, tỉnh Hải Hưng được chia thành tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên. Ngày 1.1.1997 tỉnh Hưng Yên được tái lập và chính thức làm việc theo đơn vị hành chính mới. Hưng Yên nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có nhiều tuyến giao thông quan trọng chạy qua, gần các sân bay, cảng biển, các trung tâm kinh tế và các thành phố lớn của đất nước.

  Từ khi tái lập, Hưng Yên quan tâm nhiều đến việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, có những chính sách ưu đãi, thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với chủ trương đúng của tỉnh nên mức tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân đạt 11,87%/năm; trong đó, nông nghiệp tăng 5,6%/năm, công nghiệp tăng 42%/năm, dịch vụ tăng 15%/năm; đời sống người dân đang dần được nâng lên; các vấn đề về xã hội có nhiều thay đổi rõ rệt.

Về hợp tác thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh ngoài, Hưng Yên được đánh giá là một trong những tỉnh tích cực và kết quả đạt được khá tốt so với các tỉnh trong vùng và cả nước về hợp tác thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh ngoài. Tỉnh đã qui hoạch 5 khu công nghiệp tập trung, và qui hoạch thêm 5 khu khác ở phía nam tỉnh, dọc quốc lộ 39A, 39B, 38 để phát huy hiệu quả cầu Yên Lệnh, 10 khu công nghiệp làng nghề để tạo điều kiện thu hút các dự án vào đầu tư. Khu vực dọc quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng sẽ ưu tiên bố trí các khu công nghiệp để tập trung phát triển các ngành công nghiệp nhẹ, điện tử, chế biến,…Hưng Yên đang phấn đấu trở thành một tỉnh phát triển, CNH-HĐH với một cơ cấu kinh tế hợp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. 

Vị trí địa lý: 

 

Ngày thông xe cầu Yên Lệnh

Hưng Yên có đặc điểm địa hình tương đối bằng phẳng, nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.  Hưng Yên là cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, có 23 km quốc lộ 5A và trên 20 km tuyến đường sắt Hải Nội – Hải Phòng chạy qua, ngoài ra có quốc lộ 39A, 38 nối từ quốc lộ 5 qua thị xã đến quốc lộ 1A (qua cầu Yên Lệnh ) và đến quốc lộ 10 (qua cầu Triều Dương), là trục giao thông quan trọng nối các tỉnh Tây-Nam Bắc bộ (Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá…) với Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Hưng Yên gần các cảng biển Hải Phòng, Cái Lân; Sân bay quốc tế Nội Bài, giáp ranh với các tỉnh và thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Nam, Thái Bình và Hải Dương. 

Diện tích - Dân số - Lao động: 

 

Ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa Hưng Yên luôn đạt ở mức cao

Diện tích tự nhiên là 923,09 km2.

Dân số 1.116 nghìn người (năm 2003).

Mật độ dân số 1.209 người/km2,.

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1%/năm, hoàn thành  phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2002.

Có 57 vạn lao động trong độ tuổi, chiếm 51% dân số. Lao động đã qua đào tạo nghề đạt 25%, chủ yếu có trình độ đại học, cao đẳng, trung học và công nhân kỹ thuật được đào tạo cơ bản, có. Trung bình hằng năm lực lượng lao động trẻ bổ sung khoảng trên 2 vạn người. Đây là nguồn nhân lực phục vụ tốt cho phát triển công nghiệp của tỉnh. 

Cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế:

Lao động trong công nghiệp, xây dựng chiếm 10,7%;

Lao động trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 78,9%;

Lao động trong các ngành dịch vụ chiếm 10,4%.

Tổ chức hành chính: 

Tỉnh Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 01 thị xã, 09 huyện, có 07 phường, 09 thị trấn và 145 xã.

Thị xã Hưng Yên  là trung tâm chính trị, văn hoá của tỉnh, nằm ở phía nam của tỉnh, tiếp giáp với tỉnh Thái Bình (được nối bằng cầu Triều Dương)và tỉnh Hà Nam (được nối bằng cầu Yên Lệnh).

 

Nhiều diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi cho hiệu quả cao hơn

 Tỉnh đã qui hoạch đô thị Phố Nối nằm trên trục đường 5 là một đô thị công nghiệp để tạo thuận lợi cho phát triển các khu, cụm công nghiệp ở khu vực này. Trong tương lai Phố Nối được phát triển thành một thành phố vệ tinh phía đông của Hà Nội, Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bảo đảm điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội của vùng và khu vực.      

Huyện, thị xã

Diện tích

(ha)

Dân số

(người)

Mật độ dân số (người/km2)

Tổng số:

92.309

1.116.401

1.209

1/ Thị xã Hưng Yên

4.680

77.398

1.654

2/ Văn Giang

7.179

94.763

1.320

3/ Văn Lâm

7.442

97.108

1.305

4/ Mỹ Hào

7.910

84.571

1.069

5/ Yên Mỹ

9.100

127.137

1.397

6/ Khoái Châu

13.086

186.102

1.422

7/Ân Thi

12.822

130.295

1.016

8/ Kim Động

11.465

125.381

1.094

9/ Tiên Lữ

9.243

105.632

1.143

10/ Phù Cừ

9.382

88.014

9.381

Khí hậu và thời tiết. 

Cũng như các tỉnh khác thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Hưng Yên chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm. Hàng năm có hai mùa nóng và lạnh rõ rệt. Số giờ nắng trung bình 1.519 giờ/năm, trung bình số ngày nắng trong tháng là 24 ngày; nhiệt độ trung bình mùa hè 23,2oc, mùa đông 16 oc. Tổng nhiệt độ trung bình của năm từ 8.500 - 8.600 oc. Lượng mưa trung bình từ 1.450 - 1.650 mm, tháng 5 đến tháng 10 chiếm tới 70% lượng mưa cả năm. Độ ẩm không khí trung bình trong năm là 86%, tháng cao nhất  92%, thấp nhất 79%.

Tài nguyên thiên nhiên 

 

Cùng với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp  Hưng Yên cũng ngày một phát triển

Hưng Yên mang đặc trưng của một tỉnh đồng bằng, không có đồi, núi, địa hình tương đối bằng phẳng. Đất nông nghiệp 61.037 ha, trong đó đất trồng cây hàng năm 55.645 ha (chiếm 91%), còn lại là đất trồng cây lâu năm, mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, đất chuyên dùng và đất sử dụng cho các mục đích khác. Đất chưa sử dụng khoảng 7.471 ha,  toàn bộ diện tích trên đều có khả năng khai thác và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Hưng Yên là một tỉnh được bao bọc bởi sông Hồng và sông Luộc, nên có nguồn nước ngọt rất dồi dào. Nguồn nước mặt cũng hết sức phong phú (sông Hồng có lưu lượng dòng chảy 6.400m3/s). Nước ngầm của Hưng Yên cũng rất đa dạng với trữ lượng lớn, ở dọc khu vực quốc lộ 5A từ Như Quỳnh đến Quán Gỏi có những mỏ nước ngầm rất lớn, có khả năng cung cấp hàng triệu m3/ngày.đêm, không chỉ cung cấp nước cho phát triển công nghiệp và đô thị mà còn có thể cung cấp khối lượng lớn cho các khu vực lân cận.

Hưng Yên có nguồn than nâu (thuộc bể than nâu vùng đồng bằng sông Hồng) có trữ lượng rất lớn (hơn 30 tỷ tấn) hiện chưa được khai thác, đây cũng là một tiềm năng lớn cho phát triển ngành công nghiệp khai thác than.

 

II. Tình hình kinh tế - xã hội sau 8 năm tái lập

 

Từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, sau 8 năm từ khi tái lập, đến năm 2004  Hưng Yên đã đạt được những kết quả khá khả quan, cụ thể:

1- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 12,8%

2- Giá trị sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản tăng 5,5%;

3- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 29,3%

4- Giá trị các ngành dịch vụ tăng 15%

5- Kim ngạch xuất khẩu  đạt 170 triệu USD

6- Thu ngân sách đạt 907,2  tỷ đồng

7-Thu nhập bình quân đầu người  đạt 5,9 triệu đồng

8- Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là 34%-34,5%-31,5%

9- Giá trị thu được trên 1 ha đất canh tác đạt 37,5 triệu đồng

10- Tỷ lệ tăng  dân số tự nhiên là 1,01%/năm;

11- Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,7%  vào năm 2004;

12- Tạo việc làm mới cho 2,12 vạn lao động

13- Tỷ lệ trạm xá xã có bác sĩ đạt 85%

14- Tỷ lệ làng văn hoá đạt 50%

 

Nông nghiệp:

 

Tổng diện tích gieo trồng 121.679 ha; trong đó diện tích cây lương thực là 101.017 ha, diện tích lúa cả năm 89.706 ha (tính cộng dồn theo vụ). Trung bình hàng năm sản xuất ra khoảng 55 vạn tấn thóc và hàng vài chục nghìn tấn hoa quả các loại, đặc biệt là nhãn, vải, cam. Các loại cây công nghiệp đang có xu hướng phát triển mạnh như đay, lạc, đậu tương, dâu tằm, một số loại cây dược liệu cũng được mở rộng diện tích.

 

Làng hoa Đào Đặng, xã Trung Nghĩa (thị xã Hưng Yên)

 

Chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản phát triển khá mạnh, tỷ lệ lợn hướng nạc đạt 32%, bò lai sind 85%. Trung bình mỗi năm tổng đàn lợn đạt gần 1.200 nghìn con, đàn bò 32.000 con, đàn gia cầm trên 17 triệu con, chủ yếu là gà, vịt, ngan, ngỗng. Đàn bò sữa bắt đầu có chiều hướng phát triển tốt, triển vọng đến năm 2005 đạt khoảng 5.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng mỗi năm đạt khoảng 80 nghìn tấn, trong đó xuất khẩu đông lạnh khoảng 1.500 tấn. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt khoảng 4.500 ha, chủ yếu nuôi cá phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và các vùng lân cận. Kinh tế trang trại đang được phát huy, hiện có trên 900 trang trại hoạt động có hiệu quả, cho thu nhập khá, thu hút hàng vạn lao động.

 

Công nghiệp:

 

Công nghiệp Hưng Yên phát triển nhanh và có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình tăng 42%/năm, qui mô và công nghệ đều tăng, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tình hình hợp tác đầu tư của tỉnh trong thời gian qua có nhiều thuận lợi, từ chỗ chỉ có 7 dự án đầu tư nước ngoài, tỉnh ngoài, đến hết tháng 3-2005 đã có 338 dự án đầu tư vào địa bàn (40 nước ngoài, 239 trong nước) với tổng số vốn đăng ký gần 1 tỷ USD, 140 dự án đã hoạt động.

Đến nay tỉnh Hưng Yên đã qui hoạch 5 khu công nghiệp tập trung, đang nghiên cứu, xem xét qui hoạch tiếp 5 khu khác ở phía nam của tỉnh dọc quốc lộ 39A, 39B, 38 và đang từng bước triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Tỉnh  chủ trương tiếp tục thu hút các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp dọc quốc lộ 5A, 39A, 39B, 38 trong điều kiện cho phép.

Có 2 khu công nghiệp đã được phê duyệt và hoạt động là: KCN Phố Nối A diện tích qui hoạch 390 ha và KCN Phố Nối B diện tích qui hoạch 250 ha (giai đoạn 1 duyệt 95). 3 khu công nghiệp đã được phê duyệt qui hoạch và đang hoàn tất thủ tục qui hoạch chi tiết để đưa vào hoạt động theo qui chế ban quản lý là: KCN Như Quỳnh A, diện tích qui hoạch 50 ha, KCN Như Quỳnh B 50 ha, KCN Minh Đức 200 ha.

Ngoài ra tỉnh đang xem xét qui hoạch tiếp 5 khu công nghiệp khác để thu hút các nhà đầu tư xuống phía nam tỉnh

 

Thương mại dịch vụ:

 

Có bước phát triển khá toàn diện, tốc dộ tăng chung của toàn ngành trung bình 15%/năm. Các ngành có sự phát triển mạnh là thương mại, xuất nhập khẩu, vận tải, bưu chính, viễn thông, điện lực, ngân hàng, tín dụng… Các trung tâm đô thị như Thị xã Hưng Yên, Phố Nối là các trung tâm dịch vụ thương mại lớn và quan trọng của tỉnh.

Kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng đáng kể, trung bình tăng 30,7%/năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là hàng may mặc, giày da, điện tử, hàng nông sản vv... Thị trường xuất khẩu thường xuyên được mở rộng, hàng hoá đã có mặt ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.  Tỉnh đã thành lập Chi cục Hải quan, đầu tư xây dựng khu vực thông quan hàng hoá để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Nhập khẩu trong thời gian qua cũng tăng nhanh. Kim ngạch nhập khẩu hàng năm tăng xấp xỉ 30%/năm.

Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh từng bước được củng cố và phát triển. chất lượng các dịch vụ ngày càng nâng lên, đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhất là nhu cầu của các doanh nghiệp vào đầu tư, hệ thống các dịch vụ được phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn.

 

Xây dựng kết cấu hạ tầng

 

 

Làng quê Hưng Yên đổi mới

Hưng Yên thuộc khu vực kinh tế trọng điểm Bắc bộ, gần các sân bay Nội Bài, Cát Bi, gần cảng biển Hải Phòng, Cái Lân, có tuyến đường quan trọng 5A chạy qua, và sắp tới sẽ mở tuyến cao tốc 5B (Hà Nội - Hải Phòng) đi qua địa phận của tỉnh, cầu Thanh Trì, Yên Lệnh, Triều Dương được xây dựng tạo lên giao thông của tỉnh đi các tỉnh khác và quốc tế rất thuận tiện. Bên cạnh đó hệ thống giao thông nội tỉnh cũng tương đối hoàn chỉnh,  phục vụ tốt nhu cầu về giao thông của nhân dân và nhu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn.

Mỗi huyện có một bến xe để phục vụ nhu cầu đi lại của khách, ngoài ra cũng có nhiều bến xe lưu động trên địa bàn. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng một số cảng và bến tàu khách, bến bốc xếp hàng hoá trên sông Luộc và sông Hồng, củng cố hệ thống giao thông đường thuỷ nội tỉnh, nạo vét khơi thông luồng lạch cho phương tiện có tải trọng 50 tấn hoạt động vận tải an toàn, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp làng nghề như; đường, điện, cấp thoát nước đến chân công trình nhằm tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào Hưng Yên.

Hệ thống thông tin liên lạc tiếp tục phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 29 tổng đài với dung lượng lắp đặt 49.000 số, trong đó, có 19 trạm chuyển mạch lắp đặt thiết bị truyền dẫn cáp quang, 10/10 huyện thị có trạm thu phát sóng di động, bình quân 4,5 máy/100 dân; 100% số thôn có điện thoại và có điểm bưu điện văn hoá xã, các dịch vụ chuyển tiền nhanh, chuyển phát nhanh và FAX công cộng đều được triển khai có hiệu quả.

Hệ thống cung cấp điện: Hoàn thành hệ thống truyền tải điện và hệ thống điện trung áp ở nông thôn. Có nhiều trạm biến áp 110KV cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng, có đường điện cao thế quốc gia 220 KV Phả Lại - Hà Đông chạy qua, chủ động cho việc cung cấp điện để sản xuất. Nguồn điện được cung cấp  an toàn và ổn định cho  phát triển kinh tế và phục vụ sinh hoạt của nhân dân.

 

Các lĩnh vực về văn hoá xã hội:

 

 

Màn đồng diễn tại lễ kỷ niệm 170 năm thành lập tỉnh Hưng Yên

Sự nghiệp giáo dục đào tạo được củng cố và phát triển, công tác xã hội hoá giáo dục thường xuyên được quan tâm và đạt kết quả khá. Hưng Yên hiện có 65 trường tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia, năm 2002 đã hoàn thành phổ cập THCS, tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng đạt 74,5%. Các cơ sở đào tạo nghề được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới, toàn tỉnh có 14 cơ sở dạy nghề đang tích cực đào tạo cung cấp lao động cho tỉnh.

Trong công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư xây dựng thêm 3 bệnh viện tuyến tỉnh, tăng cường thiết bị và phương tiện phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em xuống còn 29,9% (năm 2003), cơ bản thanh toán bệnh phong, bại liệt, loại trừ uốn ván trẻ sơ sinh, không có các dịch bệnh lớn xẩy ra trên địa bàn, số trạm xá xã có bác sĩ đạt 70%, 100% số thôn có cán bộ y tế. Các hoạt động văn hoá, xã hội được giải quyết, điều chỉnh kịp thời, hàng năm giải quyết và tạo việc làm cho khoảng 2 vạn lao động; hỗ trợ đúng chính sách đối với các địa phương khó khăn, cho vay vốn phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, tai nạn, tệ nạn xã hội giảm đáng kể, an ninh chính trị được giữ vững, quốc phòng được củng cố tăng cường, trật tự an toàn xã hội luôn bảo đảm.

 

III. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010

 

Phấn đấu đưa Hưng Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp trước năm 2020 với cơ cấu kinh tế hợp lý, thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức trung bình của cả nước, tiếp tục quan tâm đến phát triển các vấn đề xã hội, giữ vững chính trị,  bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, tỉnh Hưng yên xác định một số mục tiêu định hướng chính như sau:

1- Tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 12%/năm.

2- Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5%/năm.

3- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 23%/năm.

4- Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 15%/năm.

5- Cơ cấu kinh tế đến 2010: Công nghiệp, xây dựng - dịch vụ - nông nghiệp tương ứng là: 45%-35%-20%.

6- Thu nhập bình quân đầu người đến 2010 đạt khoảng 1.200 USD.

7- Thu ngân sách đến năm 2010 đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng bình quân 12%/năm.

8- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20-22%/năm, đạt mức 400 triệu USD vào năm 2010.

9- Giá trị thu được trên 1 ha đất canh tác đạt 50 triệu đồng vào năm 2010.

10- ổn định tỷ lệ phát triển dân số ở mức dưới 1%/năm.

11- Tạo việc làm thường xuyên cho 2 vạn lao động/năm.

12- Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% vào năm 2010 và không còn hiện tượng tái nghèo.

13- 80% số làng đạt tiêu chuẩn làng văn hoá.

14- 100% số xã, thôn có y, bác sỹ đạt tiêu chuẩn.

Định hướng chiến lược của Hưng Yên đến năm 2010 là:

-Phát triển nhanh đồng bộ và hiện đại hoá từng bước kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, cả đường bộ và đường thuỷ. Xây dựng và hoàn thiện các tuyến đường huyết mạch, quan trọng, đặc biệt là các tuyến nối với cầu và giao thông cửa ngõ của tỉnh.

-Qui hoạch và xây dựng hoàn chỉnh các khu công nghiệp tập trung, các cụm công nghiệp, làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

-Chuyển đổi nhanh cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, tạo nhiều sản phẩm hàng hoá trong nông nghiệp có giá trị cao như thịt, rau sạch, hoa, quả cây cảnh… nhằm tận dụng thị trường Hà Nội và cung cấp sản phẩm cho các xí nghiệp đông lạnh xuất khẩu. Phát triển công nghiệp nhỏ nông thôn để đẩy nhanh chế biến nông sản và các ngành nghề thủ công truyền thống.

-Tổ chức tốt phân bố không gian đô thị và các khu, cụm công nghiệp. Đẩy nhanh công tác đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật, quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Có chính sách  ưu đãi để  thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao từ các tỉnh ngoài và chuyên gia nước ngoài về làm việc tại Hưng Yên.

 

Định hướng phát triển ngành và lĩnh vực

 

Sản xuất nông nghiệp

- Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Đưa các giống cây, con năng xuất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như giống lúa chất lượng cao, giống bò lai sind, lợn hướng nạc, gia cầm siêu trứng, siêu nạc,...

- Tăng cường đầu tư nhiều cho nông nghiệp nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, trước hết là đầu tư cho các công trình thuỷ lợi đảm bảo tốt nhiệm vụ phòng chống lụt bão, phục vụ tưới tiêu khoa học, đầu tư hệ thống sản xuất giống cây trồng vật nuôi, mở rộng ứng dụng và phổ biến các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất.

- Đẩy mạnh sản xuất hàng hoá nông sản theo qui hoạch vùng để khai thác thế mạnh của địa phương, tạo ra khối lượng nông sản hàng hoá lớn đáp ứng nhu cầu thị trường và đạt hiệu quả kinh tế cao, khắc phục tình trạng bố trí sản xuất không dựa trên qui hoạch và đòi hỏi của thị trường về chất lượng và giá cả có sức hấp dẫn trong cạnh tranh.

- Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, coi trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thật vào sản xuất, để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và thu nhập của nông dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tập trung xây dựng các mô hình chế biến có quy mô vừa và nhỏ như chế biến nhãn, vải, dược liệu tinh dầu, thức ăn gia súc, sản xuất hàng hoá chất lượng cao...Phát triển và khai thác có hiệu quả các cơ sở chế biến thực phẩm để từng bước mở rộng sản xuất phục vụ cho xuất khẩu nông sản thực phẩm đã qua chế biến.

- Tăng cường xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như:  Đẩy mạnh các hoạt động thông tin thị trường; xây dựng thương hiệu một số hàng hoá có thế mạnh cạnh tranh, Nhãn lồng, mật ong, lúa chất lượng cao... và một số chợ đầu mối tiêu thụ hàng nông sản.

- Tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo cán bộ xã, phường, thị trấn, bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng lao động nông nghiệp. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường dậy nghề của tỉnh. Có cơ chế thu hút cán bộ kỹ thuật về nông thôn công tác. Triển khai xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống khuyến nông cơ sở, đào tạo khuyến nông viên, tập huấn kỹ thuật để nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

- Đổi mới quan hệ sản xuất ở nông thôn trên cơ sở đổi mới tổ chức hoạt động của các HTX. Xây dựng HTX làm ăn có hiệu quả thu hút đông đảo các hộ nông dân tham gia, giúp nông dân khắc phục những khó khăn trong sản xuất, phòng chống thiên tai và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha.

- Phát triển ngành nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, dự kiến tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp từ nay đến năm 2010 tăng trung bình 5%/năm. Khai thác tiềm năng sẵn có về đất đai, khí hậu và lao động, tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại.

- Đưa ngành chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản trở thành ngành sản xuất chính và phát triển theo công nghiệp hoá cung cấp cho các đô thị và chế biến xuất khẩu. Thực hiện tốt chương trình Sind hoá đàn bò và nạc hoá đàn lợn. Phát triển nhanh đàn lợn thịt ở các khu chăn nuôi tập trung và hộ gia đình. Phát triển chăn nuôi bò sữa, các giống gia súc, gia cầm và thuỷ sản có giá trị kinh tế hàng hoá cao.

Công nghiệp:

Trên cơ sở phân tích các tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn thách thức của tỉnh. Hưng Yên xác định sẽ tập trung cao độ để phát triển nhanh, vững chắc công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, làm động lực cho phát triển nông nghiệp và các ngành dịch vụ. Với quan điểm trên việc phát triển công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới dựa trên những định hướng cơ bản sau:

- Huy động tối đa các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp và TTCN, đặc biệt chú trọng đến việc tạo môi trường thuận lợi thu hút các dự án vào đầu tư, kết hợp với việc hình thành các khu cụm công nghiệp và bố trí không gian hợp lý đối với các dự án, đồng thời tạo hành lang pháp lý tốt nhất cho các dự án phát triển với hiệu quả đầu tư cao.

- Ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng, chế biến nông sản và các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường. Kết hợp nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn ODA và vốn của các thành phần kinh tế khác để sớm đầu tư các cơ sở xử lý chất thải công nghiệp và sinh hoạt để đảm bảo phát triển bền vững..

- Hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung trên tuyến quốc lộ 5, 39A và một số huyện phía nam của tỉnh để phát huy lợi thế cầu Yên Lệnh. Có chính sách hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất đối với các doanh nghiệp đầu tư  các ngành nghề đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.

- Tỉnh tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào địa bàn tỉnh dược ưu đãi tối đa trong khuôn khổ pháp luật cho phép (hoặc trong thẩm quyền của tỉnh) để phát triển công nghiệp đặt trong sự phát triển chung của vùng, cả nước phù hợp xu thế phát triển của thế giới.

Để thu hút đầu tư trên địa bàn, Hưng Yên đã có nhiều giải pháp và đề ra những cơ chế thu hút đầu tư vào địa bàn và được thể hiện bằng nhiều hình thức như Quyết định số 13/2003/QĐ-UB về ưu đãi các dự án đầu tư vào địa bàn, ... bên cạnh đó tỉnh tiến hành lập quy hoạch phát triển các KCN để các dự án giảm bớt khâu GPMB, rút ngắn thời gian trong các thủ tục pháp lý.

- Ngoài ra tỉnh sẽ hình thành một số khu, cụm công nghiệp ở các huyện phía nam của tỉnh ở huyện Khoái Châu, Kim Động (dọc quốc lộ 39A), huyện Tiên Lữ, Phù Cừ (dọc quốc lộ 39B) để tiêu thụ nông sản tại chỗ và sử dụng lao động dư thừa ở khu vực nông thôn.

- Phát triển làng nghề: Hưng Yên đã tiến hành qui hoạch phát triển được 10 làng nghề TTCN trên cơ sở các làng nghề truyền thống, hiện tại 3 trong tổng số 10 làng nghề đã được đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật và duy trì phát triển tốt, còn lại 7 làng nghề đang tiếp tục được tỉnh đầu tư, hỗ trợ về nhiều mặt như đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn, khoa học kỹ thuật, nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra,...

Thương mại - dịch vụ - du lịch

-Khai thác tối đa lợi thế của tỉnh để phát triển mạnh các ngành thương mại, dịch vụ và du lịch theo hướng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, phát huy các mô hình dịch vụ hiện có, nhanh chóng đưa dịch vụ trở thành lĩnh vực mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong GDP.

-Phát triển thương mại đạt tới trình độ cao, hiện đại, đảm bảo lưu thông hàng hoá nhanh, kích thích mạnh sản xuất và đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

-Phát triển thương mại nội địa theo hướng trọng tâm, trước hết chú trọng thị trường nội tỉnh và các tỉnh lân cận, đặc biệt Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, phát triển các sản phẩn lợi thế để hướng ra thị trường xuất khẩu.

-Phát triển mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế với sự quản lý chung của Nhà nước. Chú trọng khai thác thị trường truyền thống và tiếp cận nhanh các thị trường mới có tiềm năng.

-Phát triển mạnh ngành dịch vụ và du lịch trên cơ sở của lễ hội truyền thống. Tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ ngân hàng, thông tin, điện, nước,.. tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất và đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

-Đẩy nhanh tiến độ hình thành, xây dựng và phát triển các độ thị mới, các khu, cụm dân cư tập trung…

 

Các lĩnh vực văn hoá xã hội

Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học ở các trường học; phát triển nhanh hệ thống đào tạo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, khuyến khích các thành phần kinh tế tích cực tham gia vào lĩnh vực này. Thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao,… Làm tốt việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, phát triển và hoàn thiện hệ thống khám và chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; tiếp tục phát huy nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình xoá đói, giảm nghèo; khuyến khích các địa phương tự lực phấn đấu vươn lên thoát khỏi nghèo và không còn hiện tượng tái nghèo trong đó có sự hỗ trợ của Nhà nước. Nâng cao hiệu quả việc giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, để tạo điều kiện tốt cho tập trung phát triển kinh tế của tỉnh.


Nội dung:




Giá vàng 9999 tr.đ/lượng

Doji TienPhongBank

Tỷ giá ĐVT:đồng

Loại Mua Bán
BIDV
OCB Kỳ hạn (tháng)