Bánh tẻ Phụng Công
Xã Phụng Công (Văn Giang) không chỉ nổi tiếng với những vườn hoa khoe sắc, ngát hương mà còn được biết đến với nghề làm bánh tẻ (hay còn gọi là bánh răng bừa) truyền thống. Không ai biết chính xác nghề làm bánh tẻ ở xã có từ bao giờ nhưng nghề làm bánh tẻ hiện đang tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình còn duy trì nghề truyền thống nơi đây.
Quy trình gói bánh tẻ |
Bánh tẻ Phụng Công được làm từ những nguyên liệu giản đơn, đậm chất miền quê Bắc bộ như: Lá dong, gạo, thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương. Nhìn thì đơn giản nhưng để có một chiếc bánh tẻ ngon với hình thức đẹp mắt, vị bùi bùi, béo ngậy của nhân bánh, tạo nên hương vị riêng, đặc trưng của bánh tẻ Phụng Công thì người thợ làm nghề phải tỉ mỉ ở từng khâu chọn nguyên liệu.
Thứ gạo tẻ để làm bánh phải là gạo tám thơm hoặc gạo tám xoan Hải Hậu. Gạo được ngâm rồi đem xay cùng với nước vôi trong. Bột xay sau đó được đảo đều trên bếp lửa chừng 45 - 50 phút sao cho đánh quánh tay, bột dẻo và dai là được. Để bánh có hình thức đẹp mắt, khi gói lá không bị gãy giòn, người thợ làm bánh phải khéo léo chọn những chiếc lá dong bánh tẻ bảo đảm khi gói lá mềm dai, khi chín bánh có màu xanh lá đặc trưng, đượm mùi vị thôn quê.
Gia đình chị Lê Thị Hiên, thôn Bến có truyền thống làm bánh tẻ từ nhiều đời nay, chị cho biết: Bánh tẻ hiện nay không chỉ là món ăn trong các tiệc cưới hỏi, hội nghị mà còn là món ăn trong bữa cơm của nhiều gia đình nên nhu cầu khách hàng mua bánh rất lớn.
Trung bình mỗi ngày gia đình tôi làm khoảng 2,5 nghìn chiếc bánh, đáp ứng nhu cầu khách đặt hàng, khách mua buôn và bán lẻ. Để bảo đảm đủ số lượng bánh giao cho khách trong thời gian sớm, không làm ảnh hưởng đến chất lượng bánh, gia đình tôi thường thuê thêm 2 thợ gói bánh. Ngoài các khách đặt bánh dùng trong hội nghị, cưới hỏi, các khách quen của gia đình tôi còn giới thiệu với bạn bè để đặt bánh mang sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào... làm quà biếu. Trung bình mỗi năm, tổng thu nhập từ nghề làm bánh mang lại cho gia đình khoảng 400 triệu đồng.
Hiện nay, do có nhiều sự lựa chọn trong việc làm nên toàn xã chỉ còn khoảng 40 hộ còn duy trì nghề làm bánh tẻ truyền thống. Các hộ còn bám trụ với nghề đều đầu tư máy móc hỗ trợ ở khâu xay gạo, thái thịt để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, giảm bớt công lao động, hạ giá thành sản phẩm.
Đôi tay nhanh thoăn thoắt cho gạo vào máy xay, anh Ngô Ngọc Phan, thôn Bến cho biết: Do có truyền thống làm bánh từ lâu nên gia đình tôi có nhiều khách quen, người nọ giới thiệu cho người kia. Hàng ngày, gia đình tôi chủ yếu làm bánh theo đơn đặt của khách nên nhân bánh cũng vì thế mà đa dạng hơn, từ nhân làm bằng mộc nhĩ, thịt lợn, nấm hương, đến nhân thịt lợn, đỗ xanh, nhân chay được làm từ đậu phụ, mộc nhĩ, nấm hương... Trung bình mỗi ngày gia đình tôi bán trên 1 nghìn chiếc bánh, giá bán trung bình là 2,5 nghìn đồng/chiếc bánh.
Để gìn giữ nghề truyền thống của địa phương, các hộ hiện làm nghề trên địa bàn xã đều ý thức việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu chế biến, giữ gìn vệ sinh xung quanh khu vực làm bánh. Để bảo đảm các nguồn nguyên liệu làm bánh, các hộ sản xuất đều chủ động nhập các loại nguyên liệu khô như: Gạo tẻ, mộc nhĩ, nấm hương ở các địa chỉ uy tín, tin cậy.
Với mục đích góp phần quảng bá sản phẩm bánh tẻ Phụng Công, trong các lễ hội truyền thống hàng năm, xã đều tổ chức các hội thi làm bánh tẻ giữa các hội, các thôn trong xã.
Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ xã thành lập Câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn với 50 thành viên tham gia, bao gồm cả các hộ sản xuất, kinh doanh bánh tẻ trên địa bàn xã. Qua đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức trong kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn trên địa bàn xã nói chung và kinh doanh, sản xuất bánh tẻ nói riêng.
Ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phụng Công cho biết: Để hỗ trợ các hộ sản xuất bánh tẻ đưa các loại máy móc vào phục vụ sản xuất, hàng năm, xã phối hợp với ngành điện nâng cấp hệ thống lưới điện khu vực xã; xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn để việc vận chuyển nguyên liệu, trao đổi bánh được thuận tiện. Đồng thời, xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ sản xuất chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến sản phẩm để bánh tẻ Phụng Công được nhiều khách hàng an tâm tin dùng.
Hoa Phương