Văn Miếu Xích Đằng sẽ rộng thêm trên 10 nghìn m2
Hưng Yên đã quyết định mở rộng di tích lịch sử văn hóa quốc gia Văn Miếu Xích Đằng - biểu tượng của tinh thần hiếu học và nền văn hiến Hưng Yên, nhằm bảo tồn, tôn tạo di tích theo quy hoạch và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh của địa phương...
Mở rộng gắn với phát triển du lịch…
Ông cha ta bởi quý trọng nhân tài nên đã lập ra Văn Miếu để thờ Khổng Tử, tổ của đạo Nho và lưu danh những vị hiền tài, thi đậu khoa bảng thời phong kiến…Tuy thế, không phải địa phương nào cũng có Văn Miếu. Cả nước chỉ có vài tỉnh, thành phố có Văn Miếu mà thôi. Văn Miếu Hưng Yên tọa lạc tại khu phố Xích Đằng, phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) nên được gọi là Văn Miếu Xích Đằng, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1992. Đây là một trong 6 Văn Miếu còn tồn tại cho đến ngày nay của đất nước và là một trong hai Văn Miếu lâu đời nhất cả nước.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, Văn Miếu Xích Đằng từng xuống cấp nghiêm trọng, sau ngày tái lập tỉnh thì được tu bổ như bây giờ. Tuy nhiên, với hiện trạng như hiện nay, khuôn viên Văn Miếu Xích Đằng chưa phù hợp với các quy định của nhà nước và của tỉnh về bảo tồn, tôn tạo di tích cấp quốc gia…
Do đó, Hưng Yên quyết định mở rộng di tích Văn Miếu Xích Đằng thêm trên 10 nghìn m2. Nội dung này đã được tỉnh phê duyệt trong chủ trương đầu tư Dự án giải phóng mặt bằng mở rộng Văn Miếu Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Tỉnh dự kiến sẽ đầu tư gần 39 tỷ đồng để thực hiện dự án này, gồm các hạng mục giải phóng mặt bằng mở rộng khuôn viên, xây dựng tường rào bảo vệ xung quanh với chiều cao 2m, tổng chiều dài 600m…
Việc đầu tư giải phóng mặt bằng mở rộng di tích Văn Miếu Xích Đằng dự kiến diễn ra từ nay đến năm 2021, nhằm bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp di tích theo quy hoạch được duyệt, tạo cảnh quan và bố trí các khu vực đỗ xe, khu vực dịch vụ phục vụ khách thập thương về thăm quan, chiêm bái. Đồng thời bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong khu vực. Việc đầu tư mở rộng Văn Miếu Xích Đằng góp phần xây dựng, phát triển du lịch tâm linh của thành phố Hưng Yên nói riêng và toàn tỉnh nói chung, từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Trước đó, tháng 6.2019, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư Khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng mở rộng Văn Miếu Xích Đằng để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án mở rộng Văn Miếu Xích Đằng, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong khu vực. Khu tái định cư có tổng diện tích khoảng 0,8ha, thuộc phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên)...
Niềm tự hào của người xứ Nhãn
Văn Miếu Xích Đằng từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người xứ Nhãn, là biểu tượng của tinh thần hiếu học và nền văn hiến Hưng Yên.
Theo sách Phố Hiến, Văn Miếu Xích Đằng được xây dựng năm 1804, cùng phối thờ người thầy tiêu biểu, đạo cao, đức trọng thời Trần là Chu Văn An. Các nhà khoa học khẳng định, xét về quy mô, giá trị kiến trúc và các di vật còn lưu giữ được, nơi đây chỉ đứng sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội và Văn Miếu ở cố đô Huế.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Văn Miếu Xích Đằng hiện còn lưu giữ được những hiện vật quý. Giá trị nhất là 9 bia đá ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam xưa (tỉnh Hưng Yên có 138 vị), gồm 8 trạng nguyên, 4 bảng nhãn, 6 thám hoa... Trong đó có những bậc kỳ tài, song toàn cả văn lẫn võ, như Lê Như Hổ, Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông), Tống Trân lưỡng quốc Trạng nguyên, Nguyễn Trung Ngạn. Đặc biệt có tấm bia ghi danh cả hai cha con nhà bác học lỗi lạc Lê Quý Đôn…
Tam quan Văn Miếu nổi bật, đồ sộ, bề thế, đây là một trong những công trình còn giữ được những nét kiến trúc độc đáo trong các văn miếu còn lại ở Việt Nam, được xây dựng theo kiến trúc chồng diêm, hai tầng tám mái, mang dáng dấp cổng Văn Miếu Hà Nội. Tam quan có gác lên lầu, xưa kia là nơi bình thơ, xướng tên sĩ tử đỗ đạt trong các kỳ thi, từ đây có thể thu vào tầm mắt cả một vùng phong cảnh hữu tình, bát ngát của thành phố Hưng Yên.
Qua Tam quan là khoảng sân rộng có đường thập đạo, thường ngày tĩnh mịch, khe khẽ lá nhãn rơi. Nơi này xưa kia đã từng diễn ra các kỳ thi hương, chọn những người đỗ đạt để dự các kỳ thi Hội, thi Đình. Hai bên sân là lầu chuông, lầu khánh. Chuông đồng và khánh đá là hai cổ vật quý có niên hiệu Gia Long tam niên (1804). Nối tiếp là hai dãy nhà tả vu và hữu vu mỗi dãy 5 gian, xưa kia là nơi để kiệu, mũ áo của các quan mỗi kỳ tế lễ, nay là phòng trưng bày những hình ảnh về nền giáo dục Hưng Yên xưa và nay. Khu thờ tự chính được xây dựng mang dáng dấp cung đình Huế bao gồm: Đại bái, Trung từ, Hậu cung, với kết cấu gỗ đều được sơn son thiếp vàng, đặc biệt là các hàng cột và cửa trang trí “long vân”…
Ngày nay, cứ đến độ mùng 4, mùng 5 Tết Nguyên đán hằng năm, tại Văn Miếu Xích Đằng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa giàu bản sắc dân tộc như triển lãm thư pháp, cho chữ đầu xuân, hát ca trù… cuốn hút người dân, du khách tới thưởng lãm…
Không bao lâu nữa, sau khi được mở rộng thì Văn Miếu Xích Đằng, biểu tượng của tinh thần hiếu học và nền văn hiến Hưng Yên sẽ càng trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với du khách gần xa khi về thăm Phố Hiến.
Minh Huệ