Thăm lăng và đền thờ Vũ Tiên Công – Di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật Quốc gia
Thân thế sự nghiệp của Vũ Tiên Công
Theo tư liệu lịch sử, Vũ Tiên Công, tên húy là Vũ Đình Trác, hiệu là Tiên Công sinh ra ở thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường (Kim Động). Thân phụ của ngài là cụ Vũ Đình Phúc quê ở làng Mộ Trạch, có truyền thống hiếu học, có tới 36 tiến sỹ thuộc huyện Bình Giang (Hải Dương), thân mẫu là cụ Phạm Thị Thuận quê ở thôn Phương Tòng, xã Hùng An (Kim Động), hai cụ sinh sống ở thôn Tiên Cầu.
Nhà nghèo nên Vũ Đình Trác lưu lạc xa quê từ nhỏ, cụ đến ở ngôi chùa gần kinh đô, hàng ngày đánh hai hồi trống vào buổi sáng và buổi chiểu, gọi là trống tán. Khi đó, ở trường Quốc Tử Giám là nơi công chúa và hoàng tử con vua, con các quan đại thần trong triều học văn, võ. Mỗi lần nghe tiếng trống tán của Vũ Đình Trác vang lên là các hoàng cô, hoàng cậu tinh thần phấn trấn, vui vẻ, học tập tiến bộ. Có lần Vũ Đình Trác bị ốm mấy ngày, không đánh được trống, các hoàng cô, hoàng cậu trường Quốc Tử Giám không nghe thấy trống tán, buồn ra mặt, sao nhãng việc học hành.
Chuyện đến tai vua, ngài lệnh phải tìm bằng được người đánh trống tán ở ngôi chùa ấy. Thế là Vũ Đình Trác được triệu vào triều, nhà vua giao cho hàng ngày chỉ việc đánh hai hồi trống tán. Được ở trong triều, với sự thông minh, tài trí, Vũ Đình Tán tự học tập, tu dưỡng, dần trở thành người giỏi về binh cơ và tài thao lược, văn, võ song toàn, được triều đình phong làm quan năm 1740 và giao cho trấn thủ thành Tuyên Quang, sau đó được thăng chức “Thượng tướng quân”.
Đến khi Vua nhà Lê băng hà, với uy thế của mình Đức Tiên Công Vũ Đình Trác, giúp hoàng tử trị vì đất nước. Với công lao phò Lê giúp nước, Vũ Tiên Công nhận được sắc phong của vua Lê Hiển Tôn: “ Lê triều Đặc tiến, Phụ Quốc Thượng tướng quân, Duy ân tuyên lực, Thần tín đôn hậu, Công thần giao lĩnh Tuyên Quang xứ, Trấn thủ trung hoành quân doanh, Tri mã công hữu nạp ngôn. Như vậy Vũ Tiên Công có khoảng 40 năm làm quan thời hậu nhà Lê, cụ tạ thế vào năm Bính thân 1786. Sau này, ông được các vị vua nhà Nguyễn truy phong nhiều danh hiệu cao quí.
Lăng và Đền thờ Vũ Tiên Công
Ghi nhớ công lao đóng góp của Vũ Đình Trác với đất nước, nhất là với triều đình hậu Lê, khi về già Vũ Đình Trác được vua ban thưởng cho nhiều vàng, bạc, châu báu để xây đền thờ, lăng tẩm của mình tại thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường (Kim Động). Nhiều công trình, hiện vật do Đức Tiên Công Vũ Đình Trác xây dựng trước khi ngài mất, để lại, đến nay vẫn còn nguyên trạng mang giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật quý giá, độc đáo, trong đó phải kể đến lăng và đền thờ của cụ ở thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường.
Lăng mộ của Đức Tiên Công Vũ Đình Trác, được xây dựng cách đây khoảng 240 năm, đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Lăng xây theo kiểu nửa chìm, nửa nổi kiên cố bằng đá ong mang từ vùng cao Sơn Tây, Ba vì (Hà Nội) về, có diện tích rộng 100 m2. Theo các cụ ở thôn Tiên Cầu truyền lại, phía trước lăng có cửa đi vào phần chìm của lăng, ngay cửa lăng có một lá trầu, đặt lên chiếc đĩa đều bằng vàng (nay bị thất lạc). Cửa hầm xuống lăng cũng đã được lấp lại từ lâu. Vào ngày húy nhật của cụ, hay mỗi khi hội làng, nhân dân thôn Tiên Cầu đều rước ngài về ngự đền hưởng thụ lễ vật và dự hội.
Đền thờ Đức Tiên Công Vũ Đình Trác cũng được xây dựng từ thời Hậu Lê vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 35. Ngôi đền được đánh giá là nguy nga tráng lệ, vật liệu kiến trúc, đồ thờ tự như, cột, án thư, sập thờ… hoàn toàn bằng đá. Cổng đền là công trình kiến trúc khá đồ sộ, hoành tráng, uy nghiêm với 3 cửa đi vào, cửa chính giữa được xây cao, to hơn hai cổng phụ, đều có hai mái, phía trên được trang trí theo lối cổ, hoa văn rồng bay, phượng múa. Mặt cổng phía ngoài, trên cao có 4 chữ được đắp nổi: Tiên Công Từ môn, mặt cổng phía trong có 3 chữ: Đại chính môn. Phía ngoài, hai bên cổng có 2 ông khuyển đá châu đầu, hướng vào nhau, canh giữ, bảo vệ đền. Sân đền, được lát gạch, có tả, hữu hành lang bát bộ kim cương bao gồm 8 ông tượng đá vệ sỹ, bên võ vệ sỹ nâng thanh kiếm, bên văn vệ sỹ nâng cuốn thư, ngay cạnh vệ sỹ là 2 ông voi chiến, 2 ông ngựa chiến, tất cả đều được trạm khắc tinh xảo, tăng thêm vẻ cung kính, tôn nghiêm cho ngôi đền.
Đi hết sân đền là bước vào tòa đại bái rộng 5 gian, chính giữa là nơi thờ tự, có bức hoành phi, câu đối. Phía trước tòa đại bái có hai nhà bia ở hai bên, đây là văn chỉ bia cổ, bằng đá, ca ngợi Đức Tiên Công Vũ Đình Trác là người có đức rộng, tài cao, là bậc trung thần, công trạng của ngài nổi bật ở đức “Ái quốc, trung quân”. Sau tòa đại bái là 3 gian hậu cung, nơi đặt bài vị Đức Tiên Công Vũ Đình Trác.
Với những giá trị độc đáo về kiến trúc cổ kính, công trạng của Đức Tiên Công, lăng và đền thờ Đức Tiên Công Vũ Đình Trác ở thôn Tiên Cầu xã Hiệp Cường (Kim Động), được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa Nghệ thuật quốc Gia từ năm 1992. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân địa phương nói riêng, tỉnh Hưng Yên nói chung, khi có những bậc tiền nhân đức rộng, tài cao, làm rạng danh quê hương, đất nước.
CĐ.