Chuyện về nữ anh hùng được Bác Hồ truy tặng 6 chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”
Đó là nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Thị Cúc ở thôn Vân Mạc, xã Vân Du (Ân Thi), người nữ anh hùng đất Nhãn kiên trung, bất khuất, mưu trí, dũng cảm, đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn tuổi 20.

Tháng 5 trời trong xanh, cũng là dịp kỷ niệm 70 năm ngày hy sinh của nữ anh hùng liệt sỹ Công an nhân dân Bùi Thị Cúc (15.5.1950 – 15.5.2020), về thăm quê hương chị Cúc, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện về chị. Liệt sỹ Bùi Thị Cúc tên thật là Trần Thị Lan. Được giác ngộ cách mạng từ rất sớm, chị Cúc tích cực tham gia hoạt động phong trào trong xã như: Thanh niên, phụ nữ và làm công tác dân vận… Cuối năm 1947, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam- là nữ đảng viên trẻ nhất xã, làm cán bộ phụ nữ xã, rồi làm cán sự Hội Phụ nữ huyện Ân thi.
Đầu những năm 1950, quân địch đóng bốt và lập căn cứ vùng tề ở nhiều xã trên địa bàn tỉnh. Chúng xây dựng bốt Cảnh Lâm, xã Tân Việt (Yên Mỹ) do Nguyễn Doãn Súy làm sếp bốt, Nguyễn Doãn Tín và Nguyễn Doãn Nhi (anh em vợ Súy), đều làm việc ở phòng nhì để khống chế các vùng lân cận và kiểm soát quốc lộ 5. Thực hiện đường lối của Trung ương, Tỉnh ủy Hưng Yên chủ trương bằng mọi cách phải giữ vững phong trào ở cơ sở, tổ chức lực lượng phá tề, trừ gian, tiêu diệt những tên Việt gian phản động nguy hiểm. Huyện ủy Ân Thi giao nhiệm vụ cho chị Cúc làm công tác địch vận, cử chị đi học lớp bồi dưỡng ngắn ngày ở Hải Dương do ngành Công an huấn luyện. Tháng 12.1949, chị Cúc trở thành cán bộ Công an, được phân công về đội công tác của Công an huyện, làm nhiệm vụ công tác phản gián và địch vận, nắm tình hình, thu thập tin tức, hoạt động của địch trong vùng, với vỏ bọc là cán bộ cầu an, thoái hóa biến chất, buôn bán làm giàu. Để thực hiện thành công nhiệm vụ của một nữ chiến sỹ điệp báo, tổ chức cấp cho chị một số vốn làm nghề buôn bán nhỏ. Nhân dân trong làng, xã và gia đình nghi ngờ chị cầu an, bỏ nhiệm vụ. Đau khổ, nhịn nhục trước những dị nghị và cả những lời nhục mạ của dân làng, chị gắng sức hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Hàng ngày, với gánh muối trên vai, chị mang bán ở chợ gần bốt Cảnh Lâm thuộc xã Tân Việt (Yên Mỹ) để tìm cách làm quen với lính bốt và thu thập tin tức, tình hình địch báo cáo về chỉ huy. Sau một thời gian ngắn, nhờ sự khôn khéo, gan dạ và tính nết dịu dàng, thùy mị, cộng với sắc đẹp, chị đã tiếp cận làm quen với một số binh lính và sếp phòng nhì Nguyễn Doãn Nhi. Bùi Thị Cúc đã khiến tên Nguyễn Doãn Nhi hạ quyết tâm bằng mọi cách sẽ lấy bằng được chị làm vợ. Sau khi tạo được vỏ bọc và được tên Nhi tin cậy, chị Cúc đã khéo léo đưa đồng đội vào hàng ngũ của địch để hoạt động. Thực hiện kế hoạch chỉ đạo của tổ chức Công an, chị Cúc mời tên Nhi đến nhà chị bàn chuyện cưới, lực lượng của ta được bố trí sẵn, chờ tên Nhi đến là ra tay tiêu diệt. Ta thu được 1 súng ngắn, 1 cặp tài liệu và rút ra căn cứ, an toàn.
Bị mất tên quan ba, địch cho lính vây ráp, càn quét thôn Vân Mạc và các thôn lân cận, chúng bắt đi hơn 40 người, trong đó có một số là đảng viên đánh đập, tra khảo rất dã man hòng tìm ra người đã giết tên Nhi. Do bị chỉ điểm, chị Cúc đã bị bắt. Chúng đem chị về giam ở bốt Cống Tráng, điên cuồng dùng mọi cực hình tra tấn, dụ dỗ, hăm dọa nhưng không thể khuất phục được người đảng viên Cộng sản. Bất lực trước sự hiên ngang và ý chí kiên cường của chị, sáng ngày 15.5.1950 (tức ngày 29.3 âm lịch), giữa phiên chợ Cảnh Lâm, bọn chúng hành hình chị Cúc... bằng những biện pháp man rợ hòng làm lung lạc ý chí của đảng viên và nhân dân ta. Trước cái chết, chị vẫn hiên ngang, hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm”.
Chị Cúc đã anh dũng hy sinh, thể hiện phẩm chất cao quý của người đảng viên Cộng sản, người chiến sỹ công an cách mạng, người phụ nữ kiên trung, bất khuất. Gương chiến đấu, hy sinh của nữ chiến sỹ Công an nhân dân Bùi Thị Cúc là động lực, là nguồn cảm hứng để cán bộ, chiến sỹ tiếp tục đứng lên đấu tranh anh dũng. Ghi nhận những đóng góp và sự hy sinh anh dũng của người Cộng sản trẻ tuổi, người chiến sỹ công an cách mạng, ngày 15.1.1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 77/SL truy tặng đồng chí Bùi Thị Cúc Huân chương Độc lập hạng Ba và 6 chữ vàng: “Sống anh dũng, chết vẻ vang”.
Năm 1953, Bác Hồ đã mời thân mẫu chị sang Liên Xô thăm hỏi và gặp gỡ mẹ của Anh hùng liệt sĩ Dôi-a, một nữ anh hùng cũng đã dũng cảm hy sinh trong chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Bè bạn thế giới trân trọng tấm gương hy sinh anh dũng, đã gọi chị Bùi Thị Cúc là người con gái Việt Nam vinh quang. Tháng 8.1995, chị được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
70 năm đã trôi qua, những người dân ở thôn Vân Mạc, xã Vân Du vẫn luôn nhắc tới người nữ anh hùng mưu trí, dũng cảm để luôn tự hào về người con ưu tú của quê hương, thi đua học tập, lao động để xây dựng quê hương giàu đẹp. Nơi thờ Anh hùng liệt sỹ Công an nhân dân Bùi Thị Cúc tại gia đình và nghĩa trang xã Vân Du đã trở thành địa chỉ đỏ để các tập thể, cá nhân trong và ngoài lực lượng Công an tỉnh tổ chức về nguồn, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc đối với lớp lớp cán bộ hôm nay.
Đối với lực lượng công an, tự hào và tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc, của quê hương cũng như gương chiến đấu kiên cường, bất khuất, anh dũng hy sinh của nữ Anh hùng liệt sỹ Công an nhân dân Bùi Thị Cúc, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực, trình độ, năng động, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần viết tiếp trang sử hào hùng mà các thế hệ cha anh đã để lại, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Hàng năm, vào những dịp lễ, tết hoặc khi tổ chức các sự kiện, hoạt động, lãnh đạo Công an tỉnh cùng cán bộ, chiến sỹ Công an Hưng Yên đều thực hiện nghi lễ dâng hương, dâng hoa và báo công tại đền tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Công an nhân dân Bùi Thị Cúc, đặt trang trọng ngay trong khuôn viên vườn hoa trụ sở Công an tỉnh…
Thu Yến