Thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn
Việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, nhằm giảm số thôn, tổ dân phố, góp phần tinh giản bộ máy, giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, tạo điều kiện giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, toàn tỉnh có 851 thôn, tổ dân phố (760 thôn, 91 tổ dân phố). Trong đó, số thôn, tổ dân phố chưa bảo đảm quy mô dân số 100% theo quy định (dưới 300 hộ dân đối với thôn, dưới 350 hộ dân đối với tổ dân phố) là 294, chiếm 34%; số thôn, tổ dân phố chưa bảo đảm quy mô dân số 50% theo quy định (dưới 150 hộ dân đối với thôn, dưới 175 hộ dân đối với tổ dân phố) là 45, chiếm 5,2%. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số 1543-TB/TU ngày 11.3.2019 về phương án sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thống nhất triển khai thực hiện phương án sáp nhập thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% tiêu chí trên địa bàn tỉnh, ngày 18.3.2019, Sở Nội vụ đã có Công văn số 217/SNV-XDCQ & CTTN về việc đề nghị UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, thống kê số liệu dân số và hoàn thiện đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trình UBND tỉnh thẩm định để trình HĐND tỉnh trong năm 2019 theo đúng quy định. Việc thực hiện sáp nhập phải bảo đảm các yếu tố khác như: Không làm thay đổi địa giới đơn vị hành chính cấp xã; phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, trên cơ sở quy hoạch phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với thực tiễn, đặc điểm, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi địa phương, bảo đảm thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Đồng thời bảo đảm các thôn, tổ dân phố sáp nhập có vị trí liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt phức tạp. Tại kỳ họp HĐND tỉnh tháng 7.2019 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết sáp nhập 4 thôn của 2 xã thuộc thị xã Mỹ Hào gồm: Sáp nhập thôn Vinh Xá và thôn Lê Xá thành thôn Lê Xá (thuộc xã Dương Quang); sáp nhập thôn Tân Hưng và thôn Đống Thanh thành thôn Đống Thanh (thuộc xã Hưng Long). Theo lộ trình, đến kỳ họp HĐND tháng 12.2019, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết sáp nhập 35 thôn của 25 xã thuộc các huyện: Văn Giang, Văn Lâm, Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên.
Thực tế cho thấy, quá trình sáp nhập thôn, tổ dân phố ở tỉnh được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, ổn định tình hình ở cơ sở. Huyện Văn Giang hiện có 11 xã, thị trấn với tổng số 85 thôn, 1 tổ dân phố. Sau khi tiến hành rà soát, toàn huyện có 14 thôn ở 6 xã có số hộ dân chưa đủ tiêu chuẩn (dưới 50%) phải sắp xếp, sáp nhập. Đồng chí Chu Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết: Việc rà soát, xây dựng phương án tổ chức thực hiện sáp nhập, kiện toàn thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện được thực hiện theo đúng trình tự quy định, hợp lý, khách quan, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, thể hiện rõ quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Xã Phụng Công là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Văn Giang triển khai thực hiện đề án sáp nhập thôn Tháp với thôn Khúc thành thôn Khúc - Tháp. Đảng ủy, UBND xã đã quyết liệt vào cuộc, tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu, tạo sự đồng thuận, thống nhất thực hiện. Đến nay, địa phương đã hoàn thành việc lấy ý kiến của toàn thể cử tri trong thôn với trên 50% số cử tri đồng ý sáp nhập. Ông Nguyễn Văn Bình, người dân thôn Tháp, xã Phụng Công chia sẻ: Lúc đầu, chúng tôi cũng lo ngại việc sáp nhập giữa 2 thôn ảnh hưởng đến sinh hoạt chung tại nhà văn hóa, một số quyền lợi, đóng góp của người dân. Nhưng khi được giải thích cần phải thay đổi để tinh gọn bộ máy Nhà nước, thấy đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp, chúng tôi đều nhất trí ủng hộ và mong sớm được triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Việc sắp xếp các thôn, tổ dân phố ở một số địa phương gặp không ít trở ngại do địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác, phong tục tập quán, thiết chế văn hóa có một số khác biệt. Đơn cử như tại ấp An Dương thuộc xã Đào Dương và ấp Tân Dân thuộc xã Văn Nhuệ (Ân Thi) đều nằm biệt lập, cách thôn gần nhất của xã khoảng 3 km. Dù số lượng các thôn đặc thù như nêu trên không nhiều nhưng cũng đòi hỏi các địa phương cần nghiên cứu, linh động, sáng tạo trong giải pháp thực hiện sáp nhập.
Mặt khác, thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố sẽ ảnh hưởng đến đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, nhất là tâm lý của cán bộ thuộc diện dôi dư do sắp xếp. Việc thay đổi về con người, trụ sở các công trình sinh hoạt văn hóa, thể thao sẽ gây nên những xáo trộn, trở ngại cho người dân địa phương. Chính vì vậy, trong quá trình sáp nhập thôn, tổ dân phố, các địa phương cần làm thận trọng, thực hiện tốt các bước tuyên truyền, vận động. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cần nhận thức đúng, thông suốt về sự cần thiết của việc sắp xếp, sáp nhập để từ đó thực hiện và tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện. Cùng với đó, các thôn đã sắp xếp, sáp nhập thì chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các địa phương cần quan tâm, tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, củng cố sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân để đời sống người dân và hoạt động của thôn sớm đi vào ổn định.
Lê Hiếu