Xã Lạc Đạo phát triển thương mại - dịch vụ
Những năm qua, xã Lạc Đạo (Văn Lâm) tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, ngành nghề dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Hiện nay, ở xã Lạc Đạo có 183 doanh nghiệp và 1.364 hộ cá thể tham gia hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, với các ngành nghề chủ yếu: Sản xuất loa thùng, bàn bi-a, linh kiện điện tử; chế biến lương thực, thực phẩm… Doanh thu từ hoạt động thương mại – dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 55% tổng nguồn thu ngân sách xã, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng…
Đồng chí Nguyễn Tiến Huân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xác định phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ là khâu đột phá, xã Lạc Đạo luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể phát triển các ngành nghề chủ yếu như: Dịch vụ vận tải; chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến gỗ; sản xuất linh kiện điện tử; cơ khí… Bên cạnh đó, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho người kinh doanh dịch vụ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực thương mại - dịch vụ.
Ông Dương Duy Hoan, Phó giám đốc Công ty TNHH điện tử Casound Việt Nam cho biết, công ty thành lập và đi vào hoạt động trên địa bàn xã Lạc Đạo từ năm 2016. Được xã quan tâm, tạo điều kiện đồng thời khai thác được nguồn nhân lực tại chỗ nên công ty từng bước đi vào hoạt động ổn định và phát triển, đến nay tạo việc làm thường xuyên cho 80 công nhân, với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm chủ yếu của công ty là loa và thiết bị âm thanh, được thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ hàng đầu của Mỹ và Đài Loan, tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang Đài Loan đem lại doanh thu 30 tỷ đồng/năm.
![]() |
Sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị âm thanh tại Công ty TNHH điện tử Casound Việt Nam đóng trên địa bàn xã Lạc Đạo, Văn Lâm |
Hưởng ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia, xã khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các hộ kinh doanh, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nổi bật là Hợp tác xã Siêu Việt và Công ty TNHH Econashin đã triển khai đồng bộ, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, kinh doanh, đồng thời cung cấp các dịch vụ, tiện ích phục vụ khách hàng… Hiện nay, trên 50% số sản phẩm chủ lực của xã được bán, phân phối trên các kênh giao dịch điện tử hoặc bán trên các nền tảng mạng xã hội…
Từ phát triển thương mại - dịch vụ, xã luôn hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách nhà nước. Thương mại dịch vụ phát triển góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đem lại nguồn thu đáng kể, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Năm 2022 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 70 triệu đồng, cao gấp 2,63 lần so với năm 2015, nhiều hộ có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ phát triển ngành nghề thương mại - dịch vụ. Kinh tế phát triển, diện mạo nông thôn xã Lạc Đạo ngày càng khang trang. Năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hiện tại xã đang phấn đấu thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Để khai thác tối đa giá trị từ hoạt động thương mai - dịch vụ, thời gian tới xã Lạc Đạo tiếp tục khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại; mở rộng các loại hình dịch vụ, đa dạng mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; tạo điều kiện cho các hộ sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển sang lĩnh vực thương mại - dịch vụ; khuyến khích các hộ cá thể, các doanh nghiệp liên doanh, liên kết, xây dựng chuỗi sản xuất, bảo đảm khép kín từ khâu sản xuất cung ứng và tiêu thụ; phối hợp đào tạo nghề, khuyến khích việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động thương mại, dịch vụ…
Nguyễn Khanh