Khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ tại một số khu dân cư vùng nông thôn
Trước mùa mưa bão, mặc dù các địa phương, ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng các phương án, phương tiện ứng phó mỗi khi mưa bão về, song tại một số khu dân cư vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, tình trạng ngập úng cục bộ vẫn thường xuyên xảy ra.
![]() |
Đoạn đường ở đội 4, thôn Tân Khai, xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) thường xuyên bị ngập úng sau mưa |
Thời tiết diễn biến phức tạp đã làm cho không ít hộ dân sống ở thôn Tân Khai, xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) luôn sống trong cảnh lo lắng, nhất là mỗi mùa mưa bão. Bà Phạm Thị Thà, ở đội 4, thôn Tân Khai cho biết: “Đoạn đường trước cửa nhà tôi là khu vực trũng của thôn nên sau mỗi trận mưa to là lại bị ngập úng và phải vài ngày sau nước mới rút hết khiến cho việc đi lại của người dân gặp khó khăn”. Qua tìm hiểu được biết, đoạn đường thường xuyên bị ngập úng cục bộ sau mỗi trận mưa ở đội 4, thôn Tân Khai có chiều dài khoảng 150m với hàng chục hộ dân sinh sống hai bên. Nguyên nhân chính của tình trạng ngập úng trên là do những khu vực trước đây là ao, hồ, ruộng là điểm chứa nước thì nay đã bị san lấp… trong khi đó, đoạn đường được làm từ lâu, không có hệ thống cống, rãnh thoát nước.
Tình trạng ngập úng cục bộ ở xóm 2, thôn Thiết Trụ, xã Bình Minh (Khoái Châu) còn nghiêm trọng hơn bởi sau mỗi trận mưa to khiến cho đoạn đường dài gần 300m ngập úng, nước mưa và nước thải tràn cả vào sân, nền nhà của nhiều hộ dân. Ông Đoàn Minh Dân, người dân sinh sống ở khu vực này cho biết: Chỉ một trận mưa to kéo dài khoảng 30 phút là đã khiến cho đoạn đường trước cửa nhà tôi ngập lênh láng nước. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân sinh sống ở đây tìm đủ mọi cách khắc phục như: Nâng nền nhà, cải tạo hệ thống thoát nước, dùng vật dụng chắn trước cửa nhưng không hiệu quả. Đồng chí Lê Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: Xóm 2 là khu vực trũng nhất của thôn Thiết Trụ. Chính vì thế, không chỉ nước mưa mà còn có nước thải sinh hoạt, nước thải của hàng chục hộ làm nghề chế biến dược liệu, chế biến nông sản ở trong thôn đều đổ về hệ thống kênh mương ở đây khiến cho nước không thoát kịp gây ra tình trạng ngập úng cục bộ”. Nước ngập không những ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân mà còn mang theo mùi hôi, ẩn chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Ông Đỗ Quang Hưng ở xóm 2 bức xúc: Mùa mưa năm nào đoạn đường trước cửa nhà tôi cũng ngập sâu, nước đen ngòm, bốc mùi rất khó chịu. Những trận mưa to, mưa dài ngày khiến đoạn ngập sâu nhất lên đến 70 – 100cm, nước tràn cả vào sân, mấp mé nền nhà. Mỗi lần ngập úng như vậy thường phải 3 – 4 ngày sau nước mới rút hết. Thậm chí đến mùa đông, nhiều ngày dù không có mưa lớn nhưng do nước thải của các hộ chế biến nông sản thải ra nhiều cũng có thể khiến đoạn đường ngập ngụa trong dòng nước đen ngòm. Tình trạng này kéo dài, người dân chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa có phương án khắc phục triệt để.
Đồng chí Đào Tân Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) cho biết: Để xử lý dứt điểm tình trạng ngập úng cục bộ tại đoạn đường dài khoảng 150m ở đội 4, thôn Tân Khai, sắp tới xã sẽ đầu tư xây dựng lại đoạn đường này. Theo đó, mặt đường sẽ được nâng cao hơn, mở rộng sang hai bên, đổ bê tông và có hệ thống cống, rãnh thoát nước. Dự kiến từ nay đến cuối năm, việc thi công đoạn đường sẽ hoàn thành. Còn tại xã Bình Minh (Khoái Châu), đồng chí Lê Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhiều năm nay, để xử lý tình trạng ngập úng cục bộ ở khu vực xóm 2, thôn Thiết Trụ, xã thường xuyên tổ chức khơi thông dòng chảy các kênh mương; xã đầu tư lắp đặt 1 chiếc máy bơm để bơm nước từ khu vực ngập úng ra ngoài đê. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng này thì trước hết, những hộ làm nghề chế biến dược liệu, chế biến nông sản phải có biện pháp xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường để không làm ô nhiễm môi trường; người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác thải ra hệ thống công trình thủy lợi; xã phải quy hoạch lại hệ thống thu gom, xử lý nước thải...
Ở các địa phương trong tỉnh, hằng năm, công tác chuẩn bị phương tiện, vật tư ứng phó với mưa bão được đặt lên hàng đầu; xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống úng chi tiết, cụ thể. Các địa phương chủ động phân công cán bộ nắm địa bàn, tổ chức rà soát, kiểm tra các khu vực xung yếu tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngập úng để có phương án khắc phục, xử lý kịp thời. Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân gia cố nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, các khu vực nuôi thả thủy sản. Chuẩn bị nhân lực, vật lực, lương thực, thực phẩm để sử dụng trong những ngày mưa bão kéo dài. Trường hợp xảy ra thiên tai, nghiêm túc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức trực 24/24 giờ nhằm kịp thời ứng cứu, xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ... Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng ngập úng cục bộ ở khu dân cư vùng nông thôn vẫn thường xuyên xảy ra. Do đó, các cấp, ngành cần có những giải pháp căn cơ hơn nữa để người dân đang sinh sống trong vùng thấp trũng, thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ yên tâm, ổn định cuộc sống. Cùng với đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ công trình thủy lợi, nhất là không vi phạm, lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi, không vứt rác xuống kênh mương…
Hương Giang