Khắc phục tình trạng quá tải tại các bãi rác sinh hoạt
Khoảng 2 năm trở lại đây, tình trạng các bãi rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh bị quá tải, gây ô nhiễm môi trường phát sinh ngày càng nhiều, ảnh hưởng đến giao thông, đời sống của người dân. Không được xử lý kịp thời, rác tồn đọng tích tụ chất cao như núi, nhiều địa phương phát sinh các bãi rác sinh hoạt tự phát trong khu dân cư, ven đường giao thông.
![]() |
Bãi rác sinh hoạt ở xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) thường xuyên quá tải, ô nhiễm |
Bãi rác sinh hoạt thành “điểm đen” về ô nhiễm môi trường
Lâu nay, người dân ở phường Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào) không thể đi qua con đường cạnh bãi rác thải sinh hoạt của phường. Nguyên nhân là do bãi rác thường xuyên rơi vào cảnh quá tải, rác thải, nước rỉ rác tràn ra đường. Mặt khác, trên địa bàn phường có nghề chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc, phát sinh nhiều rác thải hữu cơ. Mùi hôi của rác thải hữu cơ khiến người dân ngang qua dù bịt vài lớp khẩu trang cũng không sao chịu nổi. Những khi trở gió, mùi hôi từ bãi rác lại gây ảnh hưởng đến các khu dân cư gần đó. Bà Lê Thị Liên, người dân sinh sống trong khu vực lắc đầu ngao ngán: Trước đây, con đường qua bãi rác cũng là con đường tắt về nhà tôi, nhưng lâu rồi tôi không dám đi qua nữa. Có hôm rác thải sinh hoạt quá nhiều, tràn ra, lấp gần hết cả lối đi.
Tại xã Thiện Phiến (Tiên Lữ), bãi chứa rác thải sinh hoạt cũng liền kề một con đường qua cánh đồng. Tại đây, thường xuyên diễn ra cảnh rác thải sinh hoạt lấp kín đường đi, rác chất đống cao ngồn ngộn và bị đốt tự phát mỗi khi trời khô ráo. Ông Nguyễn Văn Đức, hộ sản xuất có đất canh tác gần khu vực bãi rác cho biết: Bãi rác chất đống hết ngày này qua ngày khác, không được vận chuyển đi xử lý. Những hôm trời nắng, để giảm lượng rác lẫn nilon bị đốt tự phát, mùi khét gây ảnh hưởng đến các xã lân cận, người dân rất bức xúc.
Những bãi rác đang quá tải và gây ô nhiễm môi trường nêu trên chỉ là những ví dụ điển hình trong số rất nhiều bãi rác thải sinh hoạt trong tỉnh. Trung bình mỗi xã, thị trấn trong tỉnh đều có từ 1 đến 3 bãi chứa rác thải sinh hoạt hoặc bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng tại các địa phương tăng lên đột biến. Nguyên nhân là do trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có 2 đơn vị có lò đốt rác chuyên dụng để xử lý rác thải sinh hoạt, các lò đốt đều đã cũ, dù vận hành hết công suất cũng chỉ xử lý được chưa tới 200 tấn rác sinh hoạt/ngày. Trong khi đó, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh gần 800 tấn rác thải sinh hoạt.
Cần sớm có giải pháp khắc phục
Để xử lý hiệu quả rác sinh hoạt, việc xây dựng khu xử lý rác thải liên huyện bao gồm lò đốt rác phù hợp chính là giải pháp căn cơ, lâu dài và cần sớm triển khai thực hiện trong toàn tỉnh.
Ngày 4/3/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND về xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, đặt ra nhiệm vụ năm 2020 bổ sung quy hoạch các điểm tập kết rác thải quy mô thôn, liên thôn; quy hoạch khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô huyện, liên huyện; triển khai đầu tư các nhà máy đốt rác thải. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỉnh vẫn chưa có thêm khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô huyện, liên huyện nào được xây dựng, đưa vào sử dụng.
Trong khi việc xử lý triệt để rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt bằng lò chuyên dụng còn hạn chế, các địa phương cần thực hiện ngay các giải pháp để hạn chế phát sinh rác sinh hoạt ra môi trường, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các điểm tập kết, chứa rác thải sinh hoạt.
Tại huyện Yên Mỹ, mỗi ngày phát sinh khoảng 100 tấn rác sinh hoạt. Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý trên toàn huyện khoảng 98%. Trong đó, vận chuyển đi xử lý bằng lò đốt chuyên dụng chỉ được khoảng 10%. Để giảm ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, huyện đã xây dựng các hố ủ rác sinh hoạt. Năm 2022, huyện xử lý tại hố ủ tập trung của huyện được hơn 14 nghìn tấn, chiếm 47%, còn lại được xử lý tại các bãi chôn lấp. Để giảm thiểu ô nhiễm tại các bãi chôn lấp, huyện Yên Mỹ thực hiện việc mua chế phẩm vi sinh và rỉ đường, xử lý san gạt đảo trộn và phun chế phẩm tại hố ủ rác tập trung của huyện và các bãi tồn đọng của các xã trên địa bàn huyện.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, rác hữu cơ ở các bãi rác chiếm khoảng 50 - 60% tổng lượng rác thải sinh hoạt. Một số địa phương như huyện Phù Cừ đã giảm được 40% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh nhờ mô hình tự phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình. Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương, việc phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình vẫn chưa thường xuyên, nhiều hộ thực hiện nhưng chưa triệt để.
Đồng chí Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để giải quyết tận gốc tình trạng quá tải ở các bãi rác sinh hoạt hiện nay, một mặt cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm phát sinh rác sinh hoạt hàng ngày, xử lý rác thải tồn đọng; đồng thời, sớm triển khai xây dựng các khu xử lý rác thải liên huyện, bao gồm lò đốt rác phù hợp. Tại các bãi chứa, tập kết rác thải sinh hoạt, các địa phương, đơn vị chức năng cần thực hiện đúng hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc xử lý các bãi, điểm tập kết rác thải quá tải như: Thu gom, xử lý bằng chế phẩm vi sinh, chôn lấp tạm thời đúng quy trình.
Vi Ngoan