Thành phố Hưng Yên: Nông dân phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh
Nhờ chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn như: Hoa, cây cảnh, nông dân ở nhiều địa phương của thành phố Hưng Yên có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
![]() |
Vườn đào thế của gia đình ông Trần Văn Dũng, xã Quảng Châu |
Là địa phương vùng bãi, đất đai xã Quảng Châu rất màu mỡ, thích hợp trồng nhiều loại cây. Trước đây, nông dân trong xã chủ yếu cấy lúa, trồng ngô và các loại cây ăn quả. Những năm gần đây, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang trồng cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn xã có khoảng 8ha trồng cây cảnh, chủ yếu là cây hoa đào. Điển hình như hộ gia đình ông Trần Văn Dũng ở thôn 2. Ông Dũng cho biết: Từ hơn 10 năm trước, tôi bắt đầu chuyển đổi diện tích trồng cây ăn quả của gia đình sang trồng cây hoa đào. Hiện nay, gia đình tôi có tổng diện tích hơn 1 mẫu trồng đào thế các loại với gần 400 gốc. Từ trồng cây cảnh mang lại cho gia đình tôi thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, ở khu phố Nam Tiến, phường Hồng Châu cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng cây ăn quả nhưng việc canh tác không đạt hiệu quả. Thấy nông dân ở nhiều địa phương trồng cây cảnh cho thu nhập cao nên tôi đến vùng trồng quất cảnh Tứ Liên (Hà Nội) để học hỏi kinh nghiệm và quyết định trồng thử. Cùng với đó, tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cảnh và học hỏi qua sách, báo, mạng internet. Hiện nay, gia đình tôi có gần 1 mẫu chuyên trồng quất cảnh bonsai trong chum, chậu với trên 1.000 cây. Từ diện tích này mỗi năm mang lại cho gia đình tôi thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên, thành phố hiện có trên 3.700ha đất nông nghiệp. Nhằm nâng cao chất lượng, năng suất và giá trị cây trồng, những năm qua thành phố luôn chú trọng khuyến khích việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, các hộ nông dân đã nắm bắt được chủ trương, quy định về trình tự, thủ tục về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thực hiện tốt việc lựa chọn cây trồng phù hợp với trình độ thâm canh, điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương... Qua đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao so với trước đây, đặc biệt, mô hình chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập cao, từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm.
Đến nay thành phố có tổng diện tích gần 60ha trồng hoa, cây cảnh các loại, tập trung nhiều ở phường Hồng Châu, Lam Sơn và các xã: Trung Nghĩa, Quảng Châu, Hồng Nam... Các loại hoa, cây cảnh được người dân trồng nhiều là: Đào thế, quất thế, hoa cúc... Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ hoa, cây cảnh trên địa bàn thành phố còn nhỏ lẻ, tự phát.
Xác định việc trồng hoa, cây cảnh đang là hướng đi phù hợp với điều kiện địa phương và mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội, hằng năm, Phòng Kinh tế phối hợp với các đơn vị chức năng như Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT) tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh cho nông dân các xã, phường trên địa bàn.
Ngoài ra, phòng Kinh tế phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các buổi tham quan, trao đổi kinh nghiệm ở các vùng trồng hoa, cây cảnh lớn trong tỉnh như huyện Văn Giang để nông dân học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Thời gian tới, thành phố Hưng Yên khuyến khích nông dân các địa phương tiếp tục phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh; chú trọng sản xuất theo hướng công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để nâng cao thu nhập; tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho hoa, cây cảnh của địa phương.
Hương Giang