Liên kết trồng cây dược liệu trên đất bãi Tân Hưng
Thay vì trồng các loại rau màu truyền thống, 2 năm trở lại đây, nông dân xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) đã chủ động kết nối, mạnh dạn chuyển đổi để trồng cây dược liệu trên đất bãi, đem lại thu nhập cao.
Bước sang tháng 10, những dải đất phù sa bên sông trên địa bàn xã Tân Hưng lại rộn ràng vào vụ mới. Nhanh tay xới đất, gieo mầm vào nền đất tơi xốp, ông Trần Văn Hiếu, nông dân trong xã phấn khởi cho biết: Mấy vụ trước, cũng mảnh ruộng này, gia đình tôi chỉ trồng ngô và một số rau màu ngắn ngày thông thường. Nếu thời tiết thuận lợi, trừ chi phí mỗi sào rau màu mỗi năm chỉ lãi từ 3 đến 5 triệu đồng. Năm 2021, tôi chuyển sang trồng dược liệu, thu hoạch đến đâu có đơn vị thu mua hết đến đó, mỗi năm trừ chi phí lãi 17 - 18 triệu đồng/sào. Năm nay, gia đình tôi trồng tiếp gần 3 sào cây dược liệu.
![]() |
Nông dân xã Tân Hưng gieo trồng cây dược liệu địa hoàng trên đất bãi |
Loại dược liệu nông dân nơi đây đang canh tác là cây địa hoàng. Đây là loại dược liệu phổ biến trong Đông y, có tác dụng kháng viêm, hạ đường huyết, cường tim, tăng cường miễn dịch.
Những năm gần đây, nhu cầu nguồn cung dược liệu trong nước tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã kết nối với nông hộ, hợp tác xã... để có nguồn cung bền vững. Năm 2021, Hợp tác xã Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng ở xã Tân Hưng đã kết nối thành công với Công ty cổ phần thương mại dược vật tư y tế Khải Hà (tỉnh Thái Bình) để sản xuất cây dược liệu ngắn ngày. Nhờ chất đất phù hợp, vụ sản xuất năm 2021, hợp tác xã đã sản xuất thành công hơn 1ha cây địa hoàng. Hợp đồng sản xuất - tiêu thụ dược liệu được ký kết ngay từ đầu vụ. Sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu 100%. Trừ chi phí, nông dân thu lãi 15 - 20 triệu đồng/sào/vụ.
Theo chia sẻ của nông dân trong xã, trước khi canh tác, các hộ sản xuất đều được hướng dẫn chi tiết quy trình làm đất - trồng - chăm sóc - thu hoạch. Vốn có kinh nghiệm canh tác trên đất bãi, nông dân trong xã nhanh chóng nắm bắt quy trình và sản xuất hiệu quả.
Theo đó, đất trồng cây địa hoàng phải màu mỡ, có địa hình thoải, tránh bị ngập úng. Trước khi cày đất, cần phải bón phân hữu cơ lót, tiếp tục làm đất tơi xốp, lên luống, đặt củ giống theo khoảng cách đã định sẵn vào hố. Sau khoảng 5 tháng, cây cho thu hoạch với sản lượng 300 - 400 kg/sào. Dược liệu trồng, thu hái đến đâu đều được doanh nghiệp thu mua với giá đã thỏa thuận từ đầu vụ. So sánh với cây rau màu khác, cây dược liệu giảm công chăm sóc, sau khi trồng xong chỉ việc làm cỏ, không phải bón phân nhiều lần, hiệu quả kinh tế vượt trội. Sau khi trồng cây địa hoàng thành công năm 2021, vụ này, xã Tân Hưng có 20 hộ tham gia trồng, diện tích tăng lên hơn 2ha, gồm cả các hộ trong hợp tác xã và nông hộ liên kết.
Nhờ quy trình sản xuất đơn giản, hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hoạt động sản xuất đem lại nhiều giá trị cho nông dân nơi đây và góp phần bảo vệ môi trường. Ông Trần Văn Dõi, một nông hộ liên kết sản xuất với hợp tác xã phấn khởi cho biết: Gia đình tôi có diện tích canh tác cây địa hoàng lớn nhất trong xã. Năm 2021 trồng thành công, tôi còn gây được củ làm giống, năm nay trồng tiếp gần 8 sào.
Đến tháng 2, tháng 3, khi địa hoàng thu hoạch hết, nông dân trong xã lại tận dụng diện tích đất để canh tác rau màu. Trong đó có cây ngô ngọt vụ xuân hè, thời gian gieo trồng khoảng 4 tháng, trừ chi phí cho lãi khoảng 4 triệu đồng/sào/ vụ.
Đồng chí Nguyễn Tiến Doanh, Phó trưởng phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên cho biết: Mô hình liên kết trồng dược liệu trên đất bãi ở xã Tân Hưng cho hiệu quả kinh tế cao nhờ trồng loại cây phù hợp, có đầu ra ổn định. Hiện nay phòng phối hợp với hợp tác xã và các doanh nghiệp để phát triển, nhân rộng mô hình trên những vùng đất bãi phù hợp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân.
Vi Ngoan