Banner
Banner

Từ bài thơ "Huyền thoại Nguyệt Hồ" đến ca khúc "Tình khúc Nguyệt Hồ"

05:46, 19/12/2021

Tôi may mắn có những bài thơ phổ nhạc được nhiều người quan tâm và đón nhận. Trong đó, Tình khúc Nguyệt Hồ là một trong những tác phẩm như thế. 

 

 

Nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh; cũng là 35 năm bài thơ và gần 30 năm ca khúc ra đời; được sự khuyến khích của nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, tôi xin có đôi lời chia sẻ câu chuyện bếp núc của chúng tôi.


Tháng 10.1979, tốt nghiệp khoa ngữ văn ĐHSP Hà Nội, tôi về dạy học tại Trường phổ thông cấp 3 thị xã Hưng Yên, gần Chợ Gạo bây giờ.


Thị xã Hưng Yên ngày đó nghèo nàn, lạc hậu và hiu hắt lắm. Nhưng hoàn cảnh nào cũng vẫn mang trong mình những giá trị tiềm ẩn, hồn cốt của Phố Hiến xưa. Với nhiều người dân thị xã, tâm lý hoài cổ là điều dễ nhận thấy. Và, cái làm cho người ta yêu nó, gắn bó, tự hào phải chăng cũng là điều đó. 


Khách quan mà xét, không ít người kỳ thị với tâm linh, đình chùa và văn hóa xưa cũ. Nhiều di tích bị bỏ bê, trở thành phế tích, rồi mất hẳn. Tôi đã chứng kiến cảnh những pho tượng bị đối xử như thế, trong đó có cán bộ ngành văn hóa cũng kỳ thị di tích.


Cuộc sống của tôi ngày đó, hầu như tất cả là trường lớp. Linh cảm tự nhiên, tôi thường đến các di tích của Phố Hiến. Bởi từ khi ra trường, tôi đã xác định lập thân bằng dạy học, làm thơ và nghiên cứu Phố Hiến. Những buổi chiều đáng nhớ, tôi thường ôm đàn ghi ta, thầy trò ngồi trên vệ đê và hát. Giai đoạn ấy, tôi đã viết khá nhiều thơ về Phố Hiến, nhưng không thành công, mỗi bài được vài câu rồi bỏ. 


Năm 1983, do học sinh đi học xa vất vả, trường chuyển về điểm Trường Nguyễn Quốc Ân bên hồ Bán Nguyệt. Cuối năm 1985, tôi được đề bạt hiệu phó của trường. Những ước mơ, sở thích thời trẻ bị công việc át dần. Quan niệm một thời đã làm giảm đi những sở thích cá nhân, cây đàn ghi ta với tôi cũng không còn từ đó, may mà thơ thì không mất. 


Làm hiệu phó nên phải trực trường, nhất là mùa thi. Thời đó, lãnh đạo các trường phải tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh của trường mình, chỉ đổi giám thị, giám khảo. Khoảng cuối tháng 8 (hay tháng 9) năm 1986, tôi được hiệu trưởng phân công quản lý bài thi tuyển sinh vào lớp 10 và chấm phúc khảo vào nửa cuối tháng 9. 


Phòng của tôi ở tầng 2, ngay cổng trường, nhìn trực diện ra hồ Bán Nguyệt. Ngày đó, hồ Bán Nguyệt rộng lắm. Xung quanh ít cây, chỉ có mấy cây cổ thụ và mấy cây liễu rủ. Quanh hồ không có nhà cao tầng, không hàng quán, đường nhỏ, cỏ mọc tự nhiên. Giữa hồ là cồn đất, không trang trí như bây giờ, nên mặt nước càng như rộng ra, mênh mang lắm.


Một đêm thức dậy, nhìn qua cửa sổ ra hồ. Chao ôi, trên trời trăng thu vằng vặc, mặt hồ phủ một lớp sương mờ ảo, như vầng trăng lưỡi liềm đang hiển hiện lung linh. Trầm mặc một dòng thơ cổ, lóng lánh như có dáng Hằng Nga - hồ trăng giữa lòng thị xã. Ôi, Hồ Trăng, Nguyệt Hồ… tôi thầm thốt lên. Cầm bút viết vội những câu thơ đầu tiên: Cái tên ngân lên một dòng thơ cổ/ Nguyệt Hồ ơi ai đặt tự bao giờ… Đắm chìm trong những liên tưởng về Phố Hiến mấy trăm năm trước, như một huyền thoại. Cảnh với tình, thực với ảo, xưa với nay cứ đan xen. 


Tôi thả hồn vào những hình ảnh thơ, những câu thơ so sánh, ẩn dụ tả vẻ đẹp Nguyệt Hồ cùng với mảnh đất con người nơi đây. Lúc này, không còn là một cái hồ cụ thể nữa, mà là vầng trăng, là hồ trăng và Phố Hiến quê hương. Vùng quê mà tôi đã yêu vô cùng, nhưng chưa bao giờ gọi ra được bằng hình ảnh thơ và ngôn ngữ thi ca một cách dễ dàng như lúc này. 


Thăng hoa và lãng mạn, trầm tư và kiêu sa. Nhìn Nguyệt Hồ, nhớ Phố Hiến xưa, và nghĩ về thị xã Hưng Yên hôm nay…  Những dòng thơ như u hoài, nuối tiếc, những cung bậc trữ tình, những nốt trầm da diết. Lúc hoài cổ thì man mác buồn, lúc tự hào thì vô cùng mạnh mẽ đắm say… yêu quá mảnh đất con người nơi đây. 


Và như thế lòng ta tha thiết/ Khi gọi lên hai tiếng Nguyệt Hồ/ Cái tên đẹp tự bao giờ chẳng biết/ Lại gợi về Phố Hiến thuở xa xưa.


Mạch thơ cứ mở ra, muốn kể về những huyền thoại xưa và vùng đất Hưng Yên nay như không có hồi kết. Viết vội từng câu vào mặt sau một tờ giấy màu nâu đang làm mã phách bài thi như một phác thảo, rồi chép lại vào trang cuối quyển giáo án của tôi. Chỉ trong đêm đó bài thơ đã hoàn thành.


Bài thơ viết về hồ Bán Nguyệt, nhưng không hoàn toàn như vậy. Hồ Bán Nguyệt chỉ là cái cớ, là điểm tựa, là hình ảnh tượng trưng, để nói về những điều lớn lao hơn, sâu sa hơn. Nguyệt Hồ là Phố Hiến, là Hưng Yên. Bản thân hồ cũng đã được thi vị hóa, được nhân cách hóa (vầng trăng dáng lưỡi liềm, chị Hằng, gương mặt quê hương…). Đó là một thủ pháp nghệ thuật của thi ca. Mượn hồ Bán Nguyệt để tôn vinh vẻ đẹp của mảnh đất, con người Hưng Yên. Nhắc nhớ về Phố Hiến: Hào quang dù là xưa cũ, dù đang bị lãng quên; nhưng vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp thuần khiết, lung linh tự bên trong những điều xưa cũ đó.


Mãi đến cuối năm 1988, tôi mới mang bài thơ ra sửa lại đôi chút và gửi in trên Tạp chí Văn nghệ Hải Hưng. 


Năm 1991, tôi gửi lên Đài TNVN, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã tổ chức thu thanh và phát trong chương trình Tiếng thơ đêm 30.6.1991, qua giọng ngâm của NSUT Vũ Kim Dung.


Năm 1994, nhà thơ Phạm Khải (nay là Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân) lúc đó công tác tại Hội nhà văn Hà Nội về trường chơi, tôi có tặng anh bản chép tay bài thơ này. Về Hà Nội, anh gửi bài thơ đăng trên báo Đại Đoàn kết số 16.9.1994. 


Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng sau này kể lại: Một buổi chiều đi làm về, nhận được tờ báo Đại Đoàn kết, tình cờ đọc bài thơ in trên báo, nhạc sĩ đã rung cảm thật sự. Tuy chưa biết tác giả của bài thơ ở đâu và chưa từng đặt chân đến hồ Bán Nguyệt, song qua những vần thơ đầy xúc cảm về Phố Hiến, Nguyệt Hồ, nhạc sĩ đã tưởng tượng và "vẽ" ngay những nốt nhạc đầu tiên về sự tích Nguyệt Hồ, ngỡ như nhạc sĩ đã từng đặt chân đến Phố Hiến, đến Nguyệt Hồ từ lâu. Quả thật, thơ có hồn thì âm nhạc có cánh. Khi "Tình khúc Nguyệt Hồ" được phát lần đầu tiên trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam do ca sĩ Thanh Hằng thể hiện được nhiều thính giả yêu thích, lúc đó Trần Thanh Tùng mới có dịp về Hưng Yên thăm hồ Bán Nguyệt mơ mộng, huyền ảo... 

 

 


Một buổi sáng, anh đi cùng ca sĩ Đăng Dương, lúc đó đang là sinh viên Nhạc viện Hà Nội về UBND thị xã. Nhạc sĩ được giới thiệu và đưa xuống trường THPT gặp tác giả thơ Nguyễn Khắc Hào và tặng bản thảo bản nhạc viết tay đầu tiên, lúc đó chúng tôi mới biết nhau. 


Tình khúc Nguyệt Hồ là ca khúc có sức lan tỏa, bởi nó đã động chạm đến những cung bậc tình cảm sâu lắng của người dân Hưng Yên, cũng như những người yêu âm nhạc nói chung. 


Thơ ra đời từ một quá trình ấp ủ và sự thăng hoa, nhạc ra đời bằng cảm xúc đồng điệu với thơ của một nhạc sĩ tài hoa. Đến nay, bài thơ đã có tuổi đời 35 năm và gần 30 năm ca khúc, nhưng nó vẫn nhận được sự yêu mến của nhiều người yêu âm nhạc, yêu Hưng Yên. Nhiều khi như là cái cớ để người ta thể hiện tình yêu một vùng đất. Đó là cái may mắn tự nhiên, hơn cả thành công của bản thân tác phẩm văn học nghệ thuật. 


Năm 1996, ca khúc được UBND tỉnh Hải Hưng trao thưởng tại Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Côn Sơn 1991 - 1995. Ca khúc được dàn dựng bởi nhiều ca sĩ nổi tiếng chuyên và không chuyên: Thanh Hằng, Ngọc Anh, Hồng Ngọc, Ngọc Ký, Thu Thủy, Linh Phương, Nhà hát chèo Hưng Yên… Chỉ cần gõ từ khóa tên bài hát trên YouTube hoặc Google là có rất nhiều thông tin cho bạn. Có ca sĩ đã chọn dự thi sân khấu Sao Mai đêm chung kết, được dàn nhạc đài TNVN dựng chương trình nhạc không lời, nhạc chờ điện thoại mạng VNPT. Ca khúc đã nhiều lần được phát trên sóng của Đài TNVN, VTV I truyền hình Việt Nam, Đài PTTH Hải Hưng, PTTH Hưng Yên, các buổi biểu diễn trong và ngoài tỉnh, cũng như của người Việt Nam ở nước ngoài.


Bản nhạc được in nhiều lần trên nhiều ấn phẩm. Số báo đầu tiên của tỉnh Hưng Yên mới, năm 1997 đã trang trọng in trên trang nhất bản nhạc này. 


Bài thơ cũng đã được NSND Thúy Mùi, NSUT Tấn Tài ngâm và phát nhiều lần trên sóng Đài TNVN. Đặc biệt, năm 2001, bài thơ được tuyển chọn in trong "Tuyển tập Thơ Việt Nam 1945 - 2000" (NXB Lao động, trang 444, 445); tác giả Nguyễn Khắc Hào được chọn vào danh sách gồm 785 các “Nhà thơ Việt Nam thế kỷ XX”. Nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học đã viết  bình cho bài thơ như Vũ Tiến Kỳ, Lê Hồng Thiện…


Năm 2009, khi về công tác UBND tỉnh, tôi đã kịp đề xuất chuyển Dự án xây dựng Bảo tàng tỉnh từ khu bảo tàng cũ về quảng trường như hiện nay, giữ vẻ đẹp nguyên sơ cho hồ Bán Nguyệt.


Thơ và nhạc có duyên. Từ khi ra đời ca khúc, tác giả thơ và tác giả nhạc trở thành đôi bạn thân và có với nhau nhiều ca khúc thành công như: Hưng Yên một khúc sử ca, Về lại trường xưa… và một số ca khúc cho thiếu nhi. 


Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng có lần tâm sự: Mình đã viết khá nhiều ca khúc, những ca khúc thường chọn để giới thiệu sự nghiệp sáng tác như: Đừng ví em là biển, Tình khúc Nguyệt Hồ, Hưng Yên một khúc sử ca. Nhưng Tình khúc Nguyệt Hồ và những ca khúc về Hưng Yên luôn là duyên thắm cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của mình. 


Khi đi vào âm nhạc, làm lời cho ca khúc thì logic thơ thường ưu tiên cho giai điệu âm nhạc. Lúc này, ta thường hiểu bài thơ qua âm nhạc, đó cũng là thiệt thòi của những bài thơ phổ nhạc. 


Cũng vì yêu ca khúc, có người muốn tác giả đổi tên Nguyệt Hồ thành Bán Nguyệt Hồ, hồ Bán Nguyệt… Những trình bày trên của tôi chắc đã lý giải được cơ bản điều này. Bởi vì đó là thơ, là ngôn ngữ thơ, là hình ảnh thơ và nhiều người yêu quý nó cũng vì điều đó, nếu đổi tên như thế chắc gì chúng ta đã có Tình khúc Nguyệt hồ.


Thực tế, một chỉ dẫn địa lý, một cái tên thông thường, nhưng khi trở thành hình tượng văn học, mang tính điển hình, nó sẽ bước ra cuộc đời đẹp hơn rất nhiều. Ở phương diện nào đó, hồ Bán Nguyệt cũng như vậy. 


Nói như nhà phê bình văn học - NGƯT Vũ Tiến Kỳ, bậc đàn anh trong làng lý luận văn học Hưng Yên trong một bài viết năm 2001: “Ở đâu cũng thấy bóng dáng Nguyệt Hồ” thì: 


“Có bạn thơ khuyên anh nên đặt tên bài thơ là “Huyền thoại hồ Bán Nguyệt” như cái tên dân gian đã gọi. Song cũng chẳng sao! Vì đó là tình quê “Tự bao giờ chẳng biết” của anh. Cứ để anh gọi như thế. Cảnh ấy, tên ấy lại mở tiếp những miền ký ức về Phố Hiến xa xưa - Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến. Bởi yêu quá: “… lòng ta tha thiết/ Khi gọi lên hai tiếng Nguyệt Hồ”.


Tháng 11.2021

 

Nguyễn Khắc Hào



Nội dung:




Giá vàng 9999 tr.đ/lượng

Doji TienPhongBank

Tỷ giá ĐVT:đồng

Loại Mua Bán
BIDV
OCB Kỳ hạn (tháng)