Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Những năm qua, cùng với nhiệm vụ đào tạo, trang bị về kiến thức, kỹ năng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh còn chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống hướng học sinh đến các giá trị chân, thiện, mỹ.
Tại Trường THPT Đức Hợp (Kim Động), không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, nhà trường còn đẩy mạnh xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” nhằm hình thành lối sống đẹp cho học sinh. Thầy giáo Hà Quang Vinh, Hiệu trưởng trường chia sẻ: Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đạt hiệu quả cao, Ban Giám hiệu nhà trường yêu cầu mỗi cán bộ, giáo viên là một tấm gương sáng để học sinh noi theo. Đồng thời, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động với chủ đề phong phú như: Chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi và tặng quà cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… thu hút đông đảo học sinh tham gia, qua đó góp phần hình thành lối sống đẹp, sống có ích trong mỗi học sinh.
![]() |
Học sinh Trường THCS Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào) nuôi "lợn đất" giúp bạn nghèo |
Tại Trường tiểu học Minh Tiến (Phù Cừ), công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được nhà trường chú trọng. Cô giáo Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: Cùng với dạy chữ, chúng tôi dạy các em học sinh cách ứng xử có văn hóa từ những điều nhỏ nhất như: Văn hóa xếp hàng, tự phục vụ, cách xưng hô với bạn bè, thái độ khi giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh… qua đó giúp học sinh nhận thức hành động đúng, hình thành lối sống đẹp ngay từ khi còn nhỏ.
Để giáo dục lối sống đẹp, biết yêu thương, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, từ năm học 2014-2015 đến nay, Trường THCS Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào) đã phát động phong trào “Nuôi lợn đất giúp bạn nghèo vượt khó”. Hàng năm, tại Lễ khai giảng năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường đều phát động phong trào “Nuôi lợn đất giúp bạn nghèo vượt khó”. Theo đó, mỗi lớp nhận nuôi một con lợn đất. Hàng ngày, học sinh nào trong lớp có điều kiện thì sẽ tiết kiệm để cho lợn “ăn”, với tinh thần tự nguyện và tùy theo khả năng của mỗi học sinh. Phong trào nuôi lợn đất tại nhà trường đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo học sinh. Dù giá trị khoản tiền tiết kiệm nuôi lợn đất không lớn nhưng chứa đựng tình cảm yêu thương của học sinh và giáo viên Trường THCS Nhân Hoà dành cho các em học sinh nghèo và quan trọng hơn cả là hình thành thói quen tiết kiệm và ý thức sẻ chia cùng bạn bè, cộng đồng xã hội cho mỗi học sinh. Em Nguyễn Thị Hương, học sinh lớp 8B cho biết: Nuôi lợn đất tiết kiệm không chỉ rèn luyện tính tiết kiệm mà còn cho chúng em bài học sâu sắc về sự yêu thương và sẻ chia, tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, do đó, các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vào hoạt động giảng dạy chính khóa các môn học, cân đối giữa dạy “chữ” và dạy “người”. Toàn tỉnh có 539 cơ sở giáo dục; trong đó có 90% số trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, 100% cơ sở giáo dục thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học và xây dựng tổ tư vấn tâm lý cho học sinh, 100% cơ sở giáo dục xây dựng các chương trình, hoạt động thực hiện Kế hoạch số 752/KH-SGDĐT ngày 27/4/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh, sinh viên.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn một số hạn chế, như: Tình trạng học sinh vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường vẫn xảy ra; việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ… Để làm tốt hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành chức năng có giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, không để đối tượng xấu lôi kéo học sinh tham gia các tệ nạn xã hội hay các vụ việc vi phạm về đạo đức, lối sống tại địa phương, đặc biệt là khu vực xung quanh trường học. Cần có sự gắn kết phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, trong đó nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của học sinh theo chuẩn mực chung.
Vũ Huế