Sức xuân trên vùng đất Kim Động
Về huyện Kim Động những ngày này, từ nông thôn đến các khu vực đô thị, công nghiệp như rộn ràng hơn bởi những tin vui về kinh tế sau 2 năm vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 nhờ sự thay đổi tư duy của nông dân, cách làm quyết liệt của cấp ủy, chính quyền.
![]() |
Một góc nông thôn đổi mới xã Vĩnh Xá (Kim Động) |
Nằm ven tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cánh đồng gần 20 mẫu của xã Chính Nghĩa hàng đêm rực sáng ánh đèn kích thích những cây hoa sinh trưởng đều, đẹp để phục vụ thị trường. Bà Nguyễn Thị Hoa nhanh tay ươm những mầm cây Cúc đại đóa vui vẻ cho biết: Gia đình tôi có hơn 3 sào ruộng chuyên trồng hoa Cúc đại đóa. Năm nay, mỗi héc-ta trồng hoa cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, cao gấp 3 lần so với cấy lúa. Thôn đang vận động các hộ trồng hoa thành lập HTX, tích tụ ruộng đất, làm nhà lưới để trồng thêm nhiều loại hoa khác có giá trị cao hơn... Không lâu nữa, nông dân chúng tôi sẽ được tiếp cận kỹ thuật trồng hoa mới và sẽ có nhiều loại đẹp để phục vụ thị trường.
Tại xã Toàn Thắng, trên vùng đất thùng vũng, những hộ nông dân bền bỉ vượt lập vườn trại, đã bắt đất “nhả” vàng bằng những mô hình chăn nuôi lợn, gà Đông Tảo... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm. Nông dân xã Hiệp Cường với mô hình trồng nhãn chất lượng cao, cho thu hoạch sớm hơn trà nhãn chính vụ gần 1 tháng, được liên kết tiêu thụ trong các chuỗi siêu thị, mở ra triển vọng mới cho nghề trồng nhãn địa phương.
Nhờ sự thay đổi tư duy của người nông dân, đến nay, toàn huyện có trên 1.000 trang trại, gia trại; gần 90 HTX, tổ hợp tác. Trong đó có những mô hình quy mô lớn, ứng dụng quy trình an toàn sinh học, quản lý tiên tiến như: HTX thương mại nuôi trồng thủy sản Xuân Trường (xã Phạm Ngũ Lão), HTX chăn nuôi Nguyễn Gia (xã Chính Nghĩa), HTX sản xuất dịch vụ thương mại nhãn thương hiệu và hoa công nghệ cao Trịnh Tiệp (xã Ngọc Thanh)... Những mô hình này đã từng bước thúc đẩy hìnhthành các vùng chuyên canh theo hướng bền vững như các mô hình trồng lúa, cây ăn quả, cây dược liệu tại các xã: Đồng Thanh, Ngọc Thanh, Thọ Vinh, Đức Hợp... cho giá trị thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Huyện Kim Động nằm ở cửa ngõ của thành phố Hưng Yên, có hệ thống hạ tầng giao thông khá đồng bộ với trên 10km quốc lộ 39, tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 6,5km, đường ĐT.378 chạy dọc trên đê và tuyến đường thủy trên sông Hồng dài 11km giúp huyện kết nối thuận lợi với thành phố Hưng Yên, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Nhờ có hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ mà huyện có cơ hội phá thế độc canh nông nghiệp, mở rộng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế công nghiệp - dịch vụ. Trên địa bàn huyện đã hình thành 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích 456,37ha, thu hút được trên 270 doanh nghiệp, HTX hoạt động. Năm2022, mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19, song cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện tích cực đổi mới tư duy; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động ổn định; các dự án hạ tầng cụm công nghiệp, thương mại - dịch vụ đang được Ban quản lý dự án huyện và các nhà đầu tư tích cực đẩy nhanh tiến độ như: Cụm công nghiệp Chính Nghĩa quy mô 75 ha (diện tích đất của huyện Kim Động gần 64 ha) và cụm công nghiệp Kim Động 75 ha...
Đồng chí Bùi Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, huyện từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng “Hiện đại, đồng bộ, kết nối”; ưu tiên phát triển giao thông phục vụ các cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ… Phấn đấu đến 2025, tiếp nhận từ 30 đến 40 dự án, doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp, thu hút khoảng 10 nghìn lao động làm việc. Để đạt được các mục tiêu đó, trước mắt, huyện tập trung vào các giải pháp như: Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch quỹ đất phù hợp để kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân, khu dịch vụ - thương mại. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, có tiềm năng, sản xuất sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính; công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng, phát triển khu, cụm công nghiệp, cơ chế chính sách, TTHC; đẩy mạnh hoạt động đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, Nhân dân...
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, doanh nghiệp, năm 2022, huyện duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 9,58%, văn hoá, y tế, giáo dục được quan tâm, quốc phòng - an ninh được giữ vững..
Lệ Thu